Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em

(VOV5) - Việt Nam đang trong tháng Hành động vì trẻ em. 

Tại Việt Nam, trẻ em là đối tượng được quan tâm đặc biệt, thể hiện qua công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn. Việt Nam cũng không phân biệt đối xử và bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan, coi đây là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài.

Việt Nam hiện có hơn 25 triệu trẻ em, chiếm hơn 25% tổng dân số. Trong đó, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Gần 100% các cháu đến độ tuổi được đến trường, 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine. 

Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn: dangcongsan.vn

Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em

Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 (từ 1 - 30/6) có chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”.  Khởi động Tháng hành động vì trẻ em, ngày 1/6 vừa qua, tại thành phố Huế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ phát động cấp quốc gia Tháng hành động vì trẻ em năm 2024.

Trong Tháng hành động năm nay, 63/63 tỉnh, thành phố cùng thực hiện đầy đủ, tốt hơn các phong trào toàn dân, chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em; hỗ trợ mỗi một xã có một công trình mới hoặc nâng cấp công trình dành cho trẻ em trên địa bàn; từng đoàn viên, từng hội viên của các tổ chức chính trị xã hội có hành động rất thiết thực dành cho trẻ em ở mỗi địa phương cũng như là trên phạm vi toàn quốc.

Về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục trẻ em, cho biết: "Tổ chức một chiến dịch truyền thông phản ánh những mô hình, những cách làm hay của nhiều địa phương trong công tác trẻ em trong thời gian qua; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác trẻ em. Ngoài ra là việc tiếp tục dự báo đánh giá công tác trẻ em trong giai đoạn tới, đồng thời đề ra những giải pháp phù hợp để thực hiện quyền trẻ em ngày càng tốt hơn."

Trước đó, nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, đến thăm Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội (ngày 31/5), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu nhấn mạnh cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, thiết thực hơn, dành nhiều nguồn lực hơn để làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới. Theo Thủ tướng, cả cộng đồng, xã hội hãy hành động thiết thực với trách nhiệm cao nhất; hãy là chỗ dựa vững chắc, là nơi để trẻ em gửi gắm niềm tin, yêu thương và tin tưởng vào tương lai của mình.

Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược

Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đầu tư cho trẻ em cũng chính là đầu tư cho tương lai của đất nước. Làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tổ chức thực hiện thông suốt, đồng bộ, toàn diện từ Trung ương tới cấp cơ sở.

Năm ngoái, Thủ tướng đã ban hành 2 quyết định quan trọng về lĩnh vực trẻ em. Đó là Quyết định số 1591 (tháng 12/2023) về việc phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030 và Quyết định số 1080 (tháng 9/2023) phê duyệt danh sách thành viên Ủy ban quốc gia về trẻ em.

Đặc biệt năm ngoái, Cục Trẻ em đã triển khai ký kết 2 quy chế/chương trình phối hợp liên ngành giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Công an về phối hợp phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em và Chương trình phối hợp giữa Cục Trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Cục Chính trị quân chủng Hải quân về phối hợp thực hiện hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”.

Hằng năm, Diễn đàn trẻ em quốc gia được tổ chức với các chủ đề khác nhau và đây cũng là hoạt động để đại diện trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình về những vấn đề có liên quan….

Việc triển khai đồng loạt, hiệu quả các hành động cụ thể cũng như ưu tiên nguồn lực cho trẻ em không chỉ giúp trẻ em không bị bỏ lại phía sau mà còn cho thấy Việt Nam luôn lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và nguồn lực phát triển.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác