Hội nghị thượng đỉnh G7: sứ mệnh và thách thức

(VOV5) - Sứ mệnh và cũng là thách thức lớn nhất của Hội nghị thượng đỉnh G7 là cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp toàn cầu.

Ngày 20/2, các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tổ chức Hội nghị thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến. Đây là Hội nghị thượng đỉnh G7 đầu tiên được tổ chức kể từ tháng 4/2020, đồng thời là sự kiện quốc tế lớn đầu tiên tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia. Diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và tác động nặng nề trên phạm vi toàn cầu, Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này được đặt nhiều kỳ vọng và do đó cũng phải đối mặt với những áp lực lớn.  

Theo giới phân tích, sứ mệnh và cũng là thách thức lớn nhất của Hội nghị thượng đỉnh G7 là cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp toàn cầu và phục hồi nền kinh tế thế giới đang chịu tác động nặng nề của đại dịch.

Sứ mệnh

Một tuần trước sự kiện, Nhà Trắng ra thông báo nêu rõ: đây là cơ hội để Tổng thống Biden thảo luận với các nhà lãnh đạo G7 về các kế hoạch ứng phó với dịch Covid-19 và tái thiết lại kinh tế thế giới hiện chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch này.

Hội nghị thượng đỉnh G7: sứ mệnh và thách thức - ảnh 1Tổng thống Joe Biden - Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, Tổng thống Biden tập trung vào các đề tài thảo luận như cách thức ứng phó toàn cầu đối với hoạt động sản xuất và phân phối vaccine ngừa Covid-19, việc duy trì những nỗ lực hợp tác chống lại mối đe dọa của các dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay bằng cách xây dựng năng lực quốc gia và thiết lập quỹ an ninh y tế dự phòng. Đồng thời, nhà lãnh đạo Mỹ cũng trao đổi với các nhà lãnh đạo G7 về chính sách kinh tế của mình, qua đó khuyến khích các nước các trong nhóm và toàn bộ các nước công nghiệp hóa duy trì hỗ trợ để phục hồi kinh tế và đưa ra các biện pháp chung khác.

Về phần mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2021 nhấn mạnh, các giải pháp cho những thách thức mà thế giới phải đối mặt đều nằm trong chương trình nghị sự, từ sứ mệnh triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho mọi quốc gia, cho đến cuộc chiến ngăn chặn những mối đe dọa đến hệ sinh thái và sự phục hồi bền vững sau khủng hoảng Covid-19. Thủ tướng Anh kêu gọi G7 có cách tiếp cận toàn cầu đối với đại dịch, như thiết kế một hệ thống cảnh báo sớm, nhằm chấm dứt "chủ nghĩa dân tộc và chia rẽ chính trị” vốn đã phá hoại những nỗ lực ban đầu nhằm ngăn chặn dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Thủ tướng Boris Johnson cũng muốn tận dụng vai trò Chủ tịch G7 để thúc đẩy sự đồng thuận trong việc phục hồi kinh tế hậu đại dịch, theo hướng bền vững và tự do thương mại.

Hội nghị thượng đỉnh G7: sứ mệnh và thách thức - ảnh 2Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2021 - Ảnh: Reuters

Trước đó, trong cuộc họp ngày 12/2, các quan chức tài chính của G7 cũng đã thảo luận các phương thức nhằm tăng cường hợp tác để giải quyết các khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuyên bố sau cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết các lãnh đạo tài chính G7 đã thảo luận về các trụ cột trong chính sách kinh tế vĩ mô nhằm làm giảm tác động của đại dịch Covid-19, cũng như hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp, trong đó có các biện pháp giảm nợ.

Áp lực và thách thức

Để thực hiện những sứ mệnh được coi là lịch sử hiện nay, G7 cần nhiều nỗ lực, trong đó sự đoàn kết và thống nhất hành động giữa các nước thành viên được đánh giá là quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, trên thực tế, tổ chức tập hợp 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới lại đang có sự chia rẽ đáng quan ngại trong phương hướng hành động.

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) mới đây trích dẫn một số nguồn tin từ giới ngoại giao cho biết Chính phủ của Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide đã “phản ứng mạnh mẽ” đối với sáng kiến của Thủ tướng Anh Boris Johnson về tăng cường hơn nữa vai trò của các nước khách mời đối với diễn đàn G7. Theo đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson từng mời Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall (Anh) vào tháng 6/2020. Việc mời thêm các quốc gia khách mời vốn đã trở thành thông lệ đối với những nước đăng cai diễn đàn, song vai trò và đóng góp của những nước khách mời trong diễn đàn vẫn bị hạn chế đáng kể. Bởi vậy, trong một cuộc họp trực tuyến G7 hôm 22/1 vừa qua, Chính phủ Anh thông báo đang lên kế hoạch mời 3 nước khách mời tham gia một vài phần trong các cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao, và cùng ký kết "Hiến chương Xã hội mở" với các nước thành viên.

Chính phủ Nhật cho rằng, mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh năm nay là tái thiết khối G7, chứ không phải "thể chế hóa" mối quan hệ với những quốc gia khách mời. Các nước thành viên khác của châu Âu như Pháp, Italia và Đức, cũng bày tỏ quan điểm tương tự Nhật Bản. Một số nhà ngoại giao trong khối quan ngại rằng, Anh đang cố gắng “đi cửa sau” để “định hình” lại khối G7. Đặc biệt, giới chức ngoại giao châu Âu cảnh báo rằng, động thái của Anh có nguy cơ đẩy khối G7 rơi vào thế đối đầu với Trung Quốc và những nước khác, điều mà các nước thành viên G7 đều hết sức tránh sau khi đã nỗ lực ngăn cản Tổng thống Mỹ Donald Trump làm điều tương tự.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác