Hướng tới nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững

(VOV5)- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững khi Việt Nam là thành viên Tổ chức thương mại thế giới WTO.  Chương trình cụ thể hoá các bước thực hiện của các Bộ, ngành đồng hành cùng doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc để Việt Nam phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.


Chương trình hành động của Chính phủ đề ra 9 nhiệm vụ chủ yếu, trong đó có việc  hoàn thiện pháp luật và thể chế kinh tế; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm; hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn; củng cố, tăng cường cơ chế phối hợp, giám sát triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

Hoàn thiện pháp luật và thể chế kinh tế
Để hoàn thiện thể chế kinh tế, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát chính sách thương mại của Việt Nam trong khuôn khổ WTO, đề xuất phương án về điều chỉnh pháp luật để thực hiện Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương, xây dựng và triển khai Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020.  Việt nam cũng xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đến năm 2020 cũng như xây dựng Chiến lược phát triển quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại với các đối tác quan trọng. Việc đàm phán, ký kết các Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư với các đối tác quan trọng cũng được chính phủ đặt ra. Đánh giá về triển vọng đàm phán thương mại trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Việt Nam bây giờ đang có rất nhiều thuận lợi trong hội nhập quốc tế. Các đối tác lớn đều quan tâm đến Việt Nam và rất nhiều khối kinh tế, kể cả Liên minh châu Âu, các nước châu Á Thái Bình Dương đều muốn đàm phán và thỏa thuận các Hiệp định hợp tác kinh tế với Việt Nam. Việt Nam đang chủ trương thúc đẩy mạnh hơn việc đàm phán này. Chúng ta đã ký 8 Hiệp định thương mại tự do và đồng thời đang đàm phán để ký kết tiếp 6 hiệp định nữa. Với việc đàm phán và có thể kết thúc ký kết 6 hiệp định này thì về cơ bản với những đối tác kinh tế quan trọng nhất, Việt Nam đều có các hiệp định thương mại tự do và qua đó sẽ góp phần tạo thuận lợi thêm cho hàng hóa Việt Nam có thể xâm nhập được vào các thị trường.”.

 

Về hoàn thiện pháp luật, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành đẩy mạnh việc đơn giản hóa gần 260 thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý của bộ, ngành; hoàn thành việc sửa đổi nhiều dự án Luật, trong đó có Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật xây dựng, Luật du lịch, Luật việc làm, Luật phòng, chống tham nhũng. Thủ tướng yêu cầu kiên quyết loại bỏ những văn bản, quy định chồng chéo song song với đó là ban hành những văn bản mới, rõ ràng, cụ thể, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, phù hợp với các cam kết quốc tế và tình hình thực tế.

 

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình hành động của Chính phủ. Để thực hiện mục tiêu này, hàng năm, Bộ kế hoạch và đầu tư phải báo cáo Chính phủ việc triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020. Các Bộ, ngành liên quan phải xây dựng đề án nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030. Hàng năm, Bộ công thương phải báo cáo Chính phủ việc triển khai Đề án phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển các sản phẩm, ngành hàng cụ thể gắn kết với chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu có chiều sâu, hiệu quả và bền vững; đồng thời tận dụng tốt các quy định quốc tế về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, đăng ký bản quyền, thương hiệu để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam trong thương mại quốc tế.


Hướng tới nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững - ảnh 1

Hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn
Theo Chương trình, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ xây dựng Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đề án Nâng cao giá trị gia tăng của nông, lâm, thủy sản Việt Nam; hoàn thiện chính sách, giải pháp cụ thể để phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp. Đề cập việc triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: Trong gần 1 năm qua, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch hành động và chỉ đạo xây dựng 12 đề án chuyên ngành để cụ thể hóa chủ trương tới từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến và thủy lợi, để hướng dẫn các địa phương thực hiện, lựa chọn triển khai các giải pháp ưu tiên bao gồm điều chỉnh cơ cấu đầu tư, chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả nghiên cứu khuyến nông, đào tạo nhân lực đẩy mạnh sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, xây dựng cơ chế chính sách, trong đó đặc biệt chú ý chính sách phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân và chính sách sử dụng đất lúa thông thoáng hơn.

 

Việc ban hành và triển khai Chương trình hành động để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách lớn đã đề ra tại Hội Nghị quyết TW 4 khóa X, tạo tiền đề vững chắc để Việt Nam phát triển cao hơn trong giai đoạn sau./.  

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác