Thượng đỉnh Tương lai định hình thế giới của thế kỷ 21

(VOV5) - Các thảo luận về cải tổ LHQ cũng đề cập đến việc gia tăng quyền lực cho ĐHĐ LHQ.

Diễn ra từ 22-23/09 tại New York, Mỹ, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên hiệp quốc đặt mục tiêu định hình một tương lai mới công bằng, bao trùm, phát triển bền vững hơn và có tính kết nối mạnh mẽ hơn trong thế kỷ 21.

Ý tưởng về một Hội nghị Thượng đỉnh bàn về tương lai được Liên hiệp quốc (LHQ) đưa ra năm 2020, nhân kỷ niệm 75 năm ra đời LHQ (1945-2020) và vào thời điểm đại dịch Covid-19 thức tỉnh thế giới về việc cần phải thay đổi toàn diện mô hình quản trị toàn cầu trong thế kỷ 21.

Một thế giới khác

Trong thông điệp hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn cầu” cho Thượng đỉnh Tương lai, gửi đi tuần trước, Tổng thư ký (TTK) LHQ, Antonio Guterres nhấn mạnh Thượng đỉnh toàn cầu là kế hoạch tham vọng được ấp ủ trong nhiều năm của cộng đồng quốc tế, là lời thúc giục hành động trước các thách thức mới ngày càng đa dạng và phức tạp của thế giới ngày nay. Người đứng đầu tổ chức đa phương quan trọng nhất hành tinh cho rằng các thiết chế hiện nay được thiết kế cho một thời đại khác nên không được trang bị để ứng phó với các thách thức của thế kỷ 21, như: biến đổi khí hậu, tác động của công nghệ. Do đó, Thượng đỉnh tương lai sẽ thúc đẩy các thảo luận để định hình nên một thế giới mới, với cấu trúc mới và các ưu tiên mới.

Thượng đỉnh Tương lai định hình thế giới của thế kỷ 21 - ảnh 1Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres - Ảnh: AFP/TTXVN

Quan điểm này của LHQ nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhiều quốc gia thành viên, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển ở châu Á, châu Phi hay Nam Mỹ, những quốc gia từ nhiều năm qua luôn đòi hỏi có tiếng nói lớn hơn trong các cơ chế đa phương. Tổng thống Namibia, ông Nangolo Mbumba, nhận định: “Chúng ta đang đứng trước ngã ba đường lịch sử. Những thách thức mà chúng ta đối mặt, từ biến đổi khí hậu đến bất bình đẳng toàn cầu, từ căng thẳng địa chính trị đến nhu cầu cấp bách phải triển khai Nghị trình Phát triển bền vững 2030 đòi hỏi các cam kết tập thể mạnh mẽ. Tương lai của LHQ phụ thuộc vào năng lực hành động của chúng ta như một cơ chế có tính bao trùm, hiệu quả và sáng tạo hơn”.

Nhiều quốc gia phương Tây, được xem là hưởng lợi từ trật tự thế giới hiện nay, cũng thừa nhận yêu cầu cấp bách cần phải thay đổi. Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, nhận xét: “Bất cứ trật tự quốc tế hiệu quả nào cũng cần phản ánh được sự đa cực của thế giới. Các quốc gia tại châu Á, châu Phi, châu Mỹ đã tăng trưởng cả về dân số và kinh tế. Hàng trăm triệu người trên thế giới đã thoát khỏi đói nghèo và gia nhập tầng lớp trung lưu. Những người này có tất cả các quyền hưởng thụ sự thịnh vượng, sự tham dự và ảnh hưởng toàn cầu như những công dân ở châu Âu và Bắc Mỹ”.

Thượng đỉnh Tương lai định hình thế giới của thế kỷ 21 - ảnh 2Thủ tướng Đức Olaf Scholz - Ảnh tư liệu: TTXVN

Xác lập ưu tiên mới

Trước thềm Thượng đỉnh Tương lai, LHQ tổ chức “Ngày Hành động” trong hai ngày 20-21/09 để đại diện các quốc gia, các tổ chức xã hội dân sự, thanh niên, giới học thuật hay các chính quyền địa phương… thảo luận tất cả những chủ đề còn vướng mắc trong các văn bản dự thảo. Những thảo luận này đóng góp các chi tiết cuối cùng cho 3 văn kiện dự kiến được nguyên thủ và quan chức cấp cao 193 quốc gia thành viên LHQ thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, gồm: Hiệp ước Tương lai; Tuyên bố về các thế hệ tương lai; Hiệp ước số toàn cầu. Là văn kiện quan trọng nhất của Hội nghị Thượng đỉnh, Hiệp ước Tương lai dự kiến gồm 5 chương, đề cập đến các ưu tiên lớn nhất trong tương lai, như: Phát triển bền vững; Hoà bình và an ninh quốc tế; Khoa học, công nghệ và đổi mới; Thanh niên và các thế hệ tương lai; Chuyển đổi quản trị toàn cầu. Trong khi đó, Hiệp ước số toàn cầu và Tuyên bố về các thế hệ tương lai đưa ra các cam kết và kế hoạch hành động nhằm thu hẹp khoảng cách công nghệ giữa các quốc gia, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mang tính bao trùm, mang lại lợi ích công bằng hơn cho các quốc gia, cộng đồng, thiết lập một hệ thống giám sát công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) quốc tế có tính ràng buộc pháp lý, đồng thời thúc đẩy cách tiếp cận ưu tiên cho các thế hệ tương lai.

Trong bối cảnh Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ khoá 79 (UNGA-79) diễn ra ngay sau Thượng đỉnh tương lai (24-28/09), vấn đề cải tổ LHQ cũng thu hút sự chú ý lớn. Theo TTK LHQ, Antonio Guterres, yêu cầu cải tổ LHQ, đặc biệt là số lượng thành viên và cơ chế hoạt động của Hội đồng bảo an (HĐBA) LHQ, đã được đặt ra từ nhiều năm qua và không thể tiếp tục trì hoãn: “Một trong những khía cạnh rất quan trọng tại Thượng đỉnh Tương lai là việc thừa nhận rằng các thiết chế của chúng ta cần phải cải tổ, và một trong các thiết chế cần cải tổ này HĐBA LHQ. Vấn đề quan trọng có liên quan đến tương lai ở đây là vai trò của 5 nước quốc gia thành viên thường trực HĐBA và sự cần thiết phải tái phân bổ quyền lực”.

Bên cạnh HĐBA LHQ, một cơ quan khác của LHQ cũng đứng trước yêu cầu cải tổ sâu rộng để nâng cao tầm ảnh hưởng là Hội đồng Kinh tế-xã hội LHQ (ECOSOC). Ngoài ra, các thảo luận về cải tổ LHQ cũng đề cập đến việc gia tăng quyền lực cho ĐHĐ LHQ, diễn đàn của tất cả các quốc gia thành viên LHQ nhưng lại không có quyền lực mang tính quyết định trong nhiều vấn đề lớn về hoà bình và an ninh quốc tế.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác