(VOV5) - Dư luận đánh giá cao các chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tài năng và tâm huyết, luôn đóng góp tích cực vì sự phát triển bền vững của đất nước Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đây là bước cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị là văn bản chính sách mang tầm chiến lược, trong khi Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ là hành lang pháp lý rõ ràng để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước.
Từ Kết luận số 14
Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị được ví như “luồng gió mới” tác động tích cực đến tâm lý xã hội và tạo niềm tin, khát vọng, ý chí phấn đấu vượt khó, sáng tạo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng trong cả nước đã coi Kết luận 14 là mệnh lệnh của cuộc sống, là động lực quan trọng hàng đầu để góp phần thúc đẩy phát triển đất nước trong tình hình mới. Bà Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, cho biết Kết luận 14 của Bộ Chính trị giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện có thêm sự vững tâm, tự tin thể hiện những ý tưởng tốt đẹp vì lợi ích cộng đồng: "Về tính thời điểm, Kết luận này là hết sức cần thiết. Phải có một điểm tựa về chính trị cho anh em cán bộ thực hiện. Kết luận đó cũng nêu các quan điểm hết sức rõ về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, khuyến khích, động viên cán bộ có thêm những nghị lực, động lực thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần sáng tạo, vì lợi ích chung".
Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung với những tư duy mới, thực sự là minh chứng cho quyết tâm chính trị của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam về việc xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm. Cùng với Kết luận này, Đảng và Nhà nước Việt Nam còn ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Quy định về việc đánh giá, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ với những tư duy mới, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng, có tính chiến lược về công tác cán bộ. Trong số đó, đáng chú ý là Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị đã lần đầu tiên quy định về việc miễn nhiệm, từ chức trong công tác cán bộ.
Đến Nghị định số 73
Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định: cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, viên chức quản lý, người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ, có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn mà tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, nhưng mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung... thì được khuyến khích, bảo vệ. Nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ cán bộ là: cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện trong phạm vi thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật; được ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng xứng đáng. Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu ý kiến: "Những vấn đề của Nghị định đặt ra là hết sức nghiêm túc. Rõ ràng, theo như dư luận đã phản ánh, nó đã tạo ra sự yên tâm, tạo ra sự phấn khởi nhất định. Và tạo ra động lực cho những con người có năng lực, có phẩm chất, chân chính, dám đấu tranh, dám hy sinh vì lợi ích chung, vì lợi ích của tập thể, sẵn sàng đấu tranh với những tiêu cực trong hệ thống công vụ hiện nay".
Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ phải được thực hiện kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch; đúng đối tượng, trình tự, thủ tục theo quy định và pháp luật có liên quan. Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, cán bộ và cá nhân không được lợi dụng chính sách, biện pháp khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện, bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước; hoặc làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đánh giá chung, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP là bước cụ thể hóa kịp thời chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ tài năng và tâm huyết của Đảng, tạo hành lang pháp lý quan trọng để khơi dậy ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới của đội ngũ cán bộ của Đảng hiện nay.