Liệu chính phủ mới Hy Lạp có vực dậy được nền kinh tế ?

(VOV5)- Tròn 1 tháng sau khi từ chức, cựu Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras lại được bầu lại vào vị trí đứng đầu chính phủ sau chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 20/9. Chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử giúp ông A. Tsipras quay trở lại ghế Thủ tướng lần thứ 2 trong một vị thế hoàn toàn mới. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm nhất lúc này là chính phủ mới sẽ làm gì để đối mặt với những khó khăn cũ? Đó là vực dậy nền kinh tế đang suy thoái nghiêm trọng, đối mặt với làn sóng người nhập cư và nhất là tạo dựng được niềm tin trong dân chúng về một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước của những vị thần.

Liệu chính phủ mới Hy Lạp có vực dậy được nền kinh tế ? - ảnh 1
Thủ tướng Hy Lạp Tsipras ký văn bản sau lễ tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh Reuters)

Với 35,5% số phiếu trong tổng số hơn 50% cử tri đi bỏ phiếu, đảng Syriza của cựu Thủ tướng A.Tsipras dành được 145 trong tổng số 300 ghế trong Quốc hội. Kết quả bầu cử cho thấy hiện đa số người dân Hy Lạp, vốn ủng hộ việc ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), rất kỳ vọng vào các quyết sách của ông A.Tsipras khi ông trở lại cương vị thủ tướng với một quốc hội mới có tiếng nói thống nhất hơn.


Nước cờ khôn ngoan

Cách đây 1 tháng, Thủ tướng A.Tsipras bất ngờ từ chức, mở đường cho 1 cuộc bầu cử sớm ở Hy Lạp. Nước cờ từ chức này không khiến nhiều chuyên gia phân tích lâu năm quá bất ngờ. Bởi động thái chính trị của vị Thủ tướng 41 tuổi này được đánh giá là nước cờ khôn ngoan, giúp ông quay trở lại ghế Thủ tướng lần thứ 2 trong vị thế mạnh hơn mà không vấp phải sự phản đối của các thành viên đảng Syriza không cùng quan điểm. Trở lại nắm quyền, ông A.Tsipras sẽ có điều kiện loại bỏ những thành phần chống đối trong nội bộ đảng Syriza, đồng thời tiến tới xây dựng Quốc hội mới hoạt động hiệu quả hơn.

Trước hết, đảng Syriza lên nắm quyền sẽ giúp Thủ tướng A.Tsipas, đồng thời là đương kim Chủ tịch Đảng có quyền lập danh sách nhân sự mới mà không cần thông qua đại hội đảng. Đây sẽ là cơ hội để ông A. Tsipras có loại bỏ những thành phần cực tả vốn luôn phản đối các quyết sách của ông. Bên cạnh đó, việc tổ chức bầu cử sớm cũng là để những đại biểu này không có nhiều thời gian để chuẩn bị thành lập đảng riêng cho cuộc chạy đua mới vào quốc hội. Hơn nữa, nếu cuộc bầu cử muộn hơn tháng 9, ông A.Tsipas sẽ khó lòng tranh thủ tỷ lệ ủng hộ tới 60% như hiện nay khi mà hàng loạt các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới như tăng thuế, cắt giảm trợ cấp an sinh xã hội theo yêu cầu của chủ nợ chính thức áp dụng từ tháng 10 tuổi.


Thực trạng nền kinh tế vẫn không khởi sắc

Bất chấp kết quả của cuộc bầu cử, các chuyên gia tài chính khẳng định Hy Lạp chắc chắn vẫn cần một gói cứu trợ. Nếu không có nó, đất nước này có thể một lần nữa mất khả năng thanh toán các khoản nợ trong dài hạn. Thực tế, nền kinh tế của Hy Lạp hiện nay vẫn không hề cải thiện kể từ sau cuộc khủng hoảng vừa qua. Việc kiểm soát dòng vốn dậm chân tại chỗ, nền công nghiệp thì tụt dốc và tỷ lệ thất nghiệp đáng báo động ở mức 25%.

Kể từ năm 2010, các chính phủ Hy Lạp đã bất lực trong việc "hãm phanh" con tàu kinh tế chìm xuống đáy của khủng hoảng, với tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng, số nợ nước ngoài tăng chóng mặt và bất ổn xã hội càng trở nên nghiêm trọng. Trong 7 tháng nắm quyền kể từ sau khi thắng cử ngày 25/1 năm nay với tỷ lệ cao kỷ lục 59%, chính phủ của Thủ tướng Tsipras cũng bị chỉ trích là đã bất lực trong việc lèo lái đất nước và bị các lực lượng cực tả và cực hữu đổ lỗi cho việc đã "đầu hàng" các chủ nợ trên mọi phương diện.


Những thách thức đang chờ phía trước

Rõ ràng trong lúc này, Athens cần một chính phủ mới đủ mạnh để có thể giải quyết được một “núi” khó khăn đang chờ phía trước. Thủ tướng A.Tsipas và nội các mới phải nhanh chóng tiến hành những cải cách cấp thiết, vừa để cứu nguy nền kinh tế đang sa lầy, vừa tìm cách trả nợ cho các chủ nợ, nhưng cũng phải xoa dịu dư luận trong hoàn cảnh các biện pháp hà khắc có thể khiến dân chúng thêm phẫn uất, dẫn đến nguy cơ bất ổn ngày càng cao của nền chính trị nước này. Nếu nhìn vào cuộc bầu cử vừa qua với tỉ lệ người đi bầu chỉ ở mức 54%, thấp chưa từng kể từ 70 năm nay, đã phần nào phản ánh nỗi chán chường, thất vọng của cử tri Hy Lạp. Họ không muốn tiếp tục các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" quá hà khắc, nhưng cũng không còn con đường nào khác là vẫn phải đi theo chính sách của ông A.Tsipras, chấp nhận những thỏa thuận bất lợi với các chủ nợ để có thể được vay nợ.

Trước mắt, từ nay đến cuối năm, Hy Lạp phải tiếp tục tiến trình cải cách, yếu tố cần thiết để Athens tiếp tục được giải ngân gói cứu trợ thứ ba trị giá 97 tỷ USD. Muốn vậy, Athens cần phải nhanh chóng ổn định kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, để thực hiện được là không hề đơn giản. Phía trước là chông gai, thử thách đang chờ Chính phủ mới của Thủ tướng A.Tsipas.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác