Phát triển nền nông nghiệp bền vững: hướng đi có trách nhiệm của Việt Nam

(VOV5) - Ngày 19/2, Việt Nam tham dự Hội nghị cấp bộ trưởng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APRC) lần thứ 37 tại Sri Lanka.

Diễn ra trong 3 ngày, hội nghị thảo luận những thách thức và ưu tiên liên quan đến lương thực và nông nghiệp bền vững, thúc đẩy sự gắn kết trong khu vực. Tại đây, Việt Nam tiếp tục khẳng định trách nhiệm với các nước về mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, tăng trưởng xanh trong nông nghiệp.

Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững là định hướng cơ bản, trụ cột để đảm bảo an ninh lương thực, đóng góp vào hội nhập quốc tế, tạo đà xuất khẩu, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam. 

Hướng về tăng trưởng xanh, phát triển nông nghiệp sinh thái

Việt Nam đang hướng về tăng trưởng xanh, phát triển nông nghiệp sinh thái. Giảm phát thải carbon không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành chỉ tiêu, định mức, đưa vào đề án phát triển.

Phát triển nền nông nghiệp bền vững: hướng đi có trách nhiệm của Việt Nam - ảnh 1Phát triển nền nông nghiệp bền vững: hướng đi có trách nhiệm của Việt Nam

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Công Thương

Có thể nói, thay đổi tư duy sang tăng trưởng xanh đã bắt đầu đồng bộ từ người sản xuất, kinh doanh, chế biến cho đến người tiêu dùng. Đây là một xu hướng tích cực, thích ứng với quốc tế. Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: "Nông nghiệp xanh là một xu thế không thể đảo ngược, chúng ta phải chủ động thích ứng và thực tế là bà con đã thích ứng được. Chẳng hạn như ở Tứ Kỳ, Hải Dương, nông dân sản xuất lúa - rươi - cáy, ba tầng giá trị. Nông dân thu nhập bán rươi nhiều hơn bán lúa, nhưng không có lúa thì sẽ không có hai sản phẩm kia. Hay mô hình lúa – tôm, lúa – cá ở Bạc Liêu, Cà Mau…nông dân Việt Nam đã và đang hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái. Ngành nông nghiệp cũng cần lan tỏa những mô hình như vậy và đó là xu hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái thuận theo tự nhiên".

Trong nỗ lực tăng trưởng xanh, năm nay là năm đầu tiên Việt Nam triển khai giai đoạn 1 (2024 - 2025) Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".  Đề án thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong việc chống biến đổi khí hậu và xây dựng một nền nông nghiệp phát thải thấp.

Trước đó, tháng 3 năm ngoái, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm đến năm 2030 với mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững mà Việt Nam đã cam kết tại hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực, thực phẩm năm 2021.

Phát triển theo chiều sâu  

Để phát triển bền vững ngành nông nghiêp, chuyển đổi số được coi là giải pháp đột phá, tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển kinh tế nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm mang lại tính minh bạch, chính xác trong xuất xứ thực phẩm, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và tạo cơ hội phát triển nông nghiệp bền vững. Ngoài ra, năm nay, toàn ngành nông nghiệp sẽ tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường; bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu….Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: "Toàn ngành sẽ thực hiện các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, nhất là Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025... Chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm, thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng".

Sự ổn định và phát triển theo chiều sâu của ngành nông nghiệp là 1 trong những động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay. Ngoài ra, việc nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác