Sự đồng thuận ASEAN: chìa khóa hợp tác thành công năm 2012

(VOV5) -  Năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng hợp tác ASEAN vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh việc tiếp tục quyết tâm và dành ưu tiên cao cho triển khai xây dựng cộng đồng, ASEAN còn tỏ rõ lập trường của mình trong việc giải quyết các vấn đề nội khối cũng như những thách thức bên ngoài. Việc tìm được tiếng nói chung là chìa khóa giải mã những rào cản dẫn đến một ASEAN đoàn kết và thống nhất hơn trước những thách thức trong thời gian tới.

Sự đồng thuận ASEAN: chìa khóa hợp tác thành công năm 2012 - ảnh 1

Có thể thấy, con đường phát triển của ASEAN trong 45 năm qua không chỉ có hoa hồng mà đã từng phải vượt qua nhiều chông gai, thử thách. Năm 2012 cũng là năm thử thách tính đoàn kết của ASEAN với rất nhiều “sóng gió”.

Lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm hình thành và phát triển, tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN tháng 7/2012, ASEAN đã không thông qua được Tuyên bố chung do sự khác biệt quan điểm của các bên về vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, với truyền thống đoàn kết của ASEAN, với phương cách ứng xử thỏa đáng, cuối cùng ASEAN cũng đi đến đồng thuận về một bản Nguyên tắc chung. Giữa 10 nước có lịch sử khác nhau, văn hóa khác nhau, trình độ phát triển khác nhau, chế độ chính trị - xã hội khác nhau và lợi ích khác nhau thì việc có lúc không đồng lòng, nhất trí trong mọi việc được cũng là điều dễ hiểu. Nhưng quan trọng hơn cả và đây cũng chính là đặc điểm không dễ lẫn của tổ chức khu vực này, đó là dù có thể có những khác biệt ban đầu song cuối cùng tất cả đều đặt lợi ích chung của Hiệp hội lên trên hết. Tinh thần đoàn kết vẫn thắng thế dù vấn đề đặt ra có phức tạp và nhạy cảm đến đâu. Ông Nguyễn Tiến Minh, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ ngoại giao Việt Nam, nhận định: Các nước sau thất bại ở Hội nghị ngoại trưởng ASEAN 45 (AMM 45) không thông qua được Tuyên bố chung đều nhận thức rằng điều này sẽ gây thiệt hại rất lớn đến ASEAN, nếu không khắc phục được thì ASEAN sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng. Vì vậy khi Indonesia nêu ra sáng kiến thông qua tuyên bố 6 điểm thì các nước lập tức đồng ý nhanh chóng. Các nước ASEAN đều có hành động cụ thể để củng cố sự đoàn kết của mình.


ASEAN đã đi đến thống nhất một lập trường chung, đó là vấn đề duy trì hòa bình, ổn định, an ninh trên biển Đông có tầm quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực. Mọi thành viên nhất trí triển khai thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến tới ký kết Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC), ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế.

Với chủ đề “ASEAN: Một cộng đồng, một vận mệnh”, hợp tác ASEAN năm 2012 còn thể hiện tinh thần đồng thuận cao trong việc giữ vững trọng tâm và hướng ưu tiên của mình. Trong lộ trình hướng tới hình thành Cộng đồng vào năm 2015, năm 2012, cùng với việc chính thức tuyên bố thành lập Viện hòa bình và hòa giải ASEAN, ASEAN cũng đã thông qua Tuyên bố nhân quyền. Đây là bước tiến quan trọng của ASEAN trong tiến trình xây dựng cộng đồng chính trị-an ninh, phù hợp với tôn chỉ, nguyên tắc hoạt động của ASEAN là “thống nhất trong sự đa dạng”. Ông Nguyễn Tiến Minh, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ ngoại giao Việt Nam, cho rằng: Đây cũng là bước tiến rất quan trọng trong ASEAN, bởi trong ASEAN các nước có các chế độ chính trị khác nhau, thể chế khác nhau do đó cách tiếp cận của mỗi nước đối với vấn đề nhân quyền rất khác nhau. Nhưng qua 1 năm thảo luận, các nước ASEAN đã đi đến nhất trí, ngoài việc tuân thủ những tiêu chuẩn nhân quyền của phương Tây cũng đồng thời phải chú ý đến những vấn đề đa dạng của khu vực. Do đó điều quan trọng ở trong Tuyên bố nhân quyền là đã quy định rõ các tiêu chuẩn nhưng trên hết phải tôn trọng tiêu chuẩn, luật lệ của mỗi quốc gia. Đây chính là thành công trong quá trình các nước ASEAN trao đổi đàm phán để đi đến thống nhất.


Năm 2012, song song với việc triển khai hiệu quả tiến trình liên kết và kết nối ASEAN, ASEAN cũng tích cực mở rộng hợp tác với các đối tác bên ngoài. ASEAN cùng với Mỹ và Ấn Độ nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược. Các đối tác cũng đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác cụ thể với ASEAN. Nhật Bản cam kết hỗ trợ ODA 500 tỷ yên cho các nước Mekong phát triển hạ tầng trong 3 năm tới. Trung Quốc đề nghị lập Ủy ban kết nối ASEAN-Trung Quốc, hỗ trợ các dự án kết nối ASEAN thông qua khoản tín dụng 10 tỷ USD, góp thêm 5 triệu USD cho Quỹ hợp tác chung ASEAN-Trung Quốc. Hàn Quốc hỗ trợ ASEAN 10 triệu USD về hội nhập theo kế hoạch Sáng kiến kết nối ASEAN, EU tài trợ 15 triệu euro giai đoạn 2012-2016…Vì đâu mà một hiệp hội chưa phải là phát triển và lớn mạnh hàng đầu thế giới mà lại nhận được sự quan tâm của nhiều cường quốc như vậy? Câu trả lời có lẽ chính là nhờ ở sự đoàn kết, tinh thần rộng mở với mọi quốc gia. Bí quyết thành công của ASEAN chính là sự đồng thuận, thống nhất trong đa dạng, kiên trì giữ vững bản sắc, đồng lòng hướng tới hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển.

Năm 2013, tiếp tục giữ vững những nguyên tắc cơ bản này, ASEAN chắc chắn sẽ duy trì được sức sống và vị thế độc đáo của mình. Trước mắt ASEAN còn nhiều mục tiêu lớn lao phải thực hiện. Đó là cái đích hình thành Cộng đồng vào năm 2015, tiếp tục đóng vai trò trung tâm ở Ðông Á, phấn đấu cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở trên thế giới./.

Phản hồi

Các tin/bài khác