Tạo hiệu quả cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế

Tạo hiệu quả cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế - ảnh 1
Tái cấu trúc đầu tư công để tránh tình trạng dàn trải, tăng hiệu quả đầu tư. Ảnh: Huy Hùng

(VOV5) - Tái cấu trúc đầu tư công và doanh nghiệp Nhà nước được coi là 2 lĩnh vực quan trọng của đề án tổng thế tái cơ cấu nền kinh tế Việt nam. Đây cũng là 2 chủ đề của hội thảo diễn ra hôm qua, tại Hà nội, với sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học và chuyên gia kinh tế:

 
Đầu tư công ở Việt Nam dựa vào 3 nguồn chính: vốn từ ngân sách nhà nước (chiếm 40% trong suốt giai đoạn 1995-2011), vốn vay từ trái phiếu chính phủ và vốn vay từ nước ngoài (lên tới gần 37% vào năm 2010). Chính việc đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả trong thời gian qua đã góp phần làm nợ công tăng nhanh trong mấy năm gần đây. Tính đến hết năm 2010, nợ công của Việt Nam chiếm tới 56,7% GDP. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, thời gian gần đây, nợ công gia tăng trong khi đầu tư công có xu hướng sụt giảm. Nguyên nhân là nhiều dự án đầu tư công không có khả năng trả nợ gốc và nợ lãi, do đó toàn bộ phần trả nợ gốc này lại trông chờ vào nguồn chi ngân sách, kéo theo thâm hụt ngân sách nhưng vẫn phải vay để đầu tư. Ông Vũ Đình Ánh cho rằng quy mô nợ công và nợ nước ngoài gia tăng cao sẽ gây ra rủi ro về tài chính. Do đó, tái cấu trúc đầu tư công phải theo hướng nâng cao hiệu quả vốn đầu tư và không tác động lên nợ công“Quy mô cho đầu tư công trong 5-10 năm tới sẽ chủ yếu trông cậy vào tăng quy mô tăng trưởng kinh tế, thông qua đó vẫn duy trì một tỷ lệ thu ngân sách ở tỷ lệ thấp hơn…Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế như vậy thì cần tập trung vào các dự án hiệu quả nhất. Các dự án đó không chỉ tập trung cho cơ sở hạ tầng mà còn xét về mặt tài chính nó còn có hiệu quả kinh tế để hoàn vốn, không những trả nợ lãi, nợ gốc để giảm nhẹ gánh nặng về rủi ro nợ công”.

Để tái cấu trúc đầu tư công trong bối cảnh hiện nay, theo nhiều chuyên gia kinh tế Việt nam còn cần kiểm soát chặt chẽ đầu tư công. Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng" Cắt giảm đầu tư phải đặt trong bài toán hiệu quả, còn nếu cứ bàn đầu tư mà cách đầu tư kém hiệu quả như thế thì không bao giờ đủ được. Vấn đề ở đây không ở khối lượng mà chủ yếu ở hiệu quả. Nhà nước đầu tư nhiều dự án quá, không quản lý được. Cái gì cũng cần thiết, cái khôn ngoan là có bấy nhiêu tiền thôi nhưng xếp cái cần thiết theo logic nào. Phải dựa trên các quy tắc để tính đến chi phí cơ hội, đấy là nguyên lý thị trường khi đã quyết định đầu tư"

Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Nhà nước phải là xương sống cho cả nền kinh tế tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, tình trạng doanh nghiệp Nhà nước hoạt động đạt hiệu quả chưa tương xứng với quy mô, tầm vóc của mình là rất phổ biến. Khối doanh nghiệp này chiếm gần 50% nguồn tín dụng của nền kinh tế nhưng hiệu quả kinh tế không tương ứng. Chia sẻ những trăn trở này, nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng phải xác định các ngành nghề cần có sự tham gia của doanh nghiệp Nhà nước và tỷ lệ tham gia cụ thể. Cùng với đẩy mạnh cổ phần hóa nhóm doanh nghiệp này thì cũng nên đặt doanh nghiệp Nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần khác và đổi mới phương pháp quản trị doanh nghiệp Nhà nước. Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Xuân Giá, doanh nghiệp Nhà nước chỉ cần và phải có mặt ở những lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội, những nơi rất cần cho sự phát triển đất nước mà tư nhân không muốn hoặc không thể làm, còn lại, để cho tư nhân làm, nhà nước chỉ lo quản lý và thu thuế. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu ý kiến: “Điện chỉ làm điện thôi, dầu khí chỉ làm dầu khí thôi, khỏi đi làm bất động sản, đầu tư chứng khoán. Hiện nay số vốn đầu tư ra ngoài ngành là 20 nghìn tỷ và cần thoái vốn theo yêu cầu của Thủ tướng. Tôi nghĩ rằng sắp tới đây, doanh nghiệp Nhà nước sẽ hoạt động tập trung hơn, có chủ đích hơn và hoàn thành nhiệm vụ cốt lõi được giao.”

 Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo mỗi doanh nghiệp cần từng bước thay đổi cung cách quản lý, tăng cường chất lượng công tác quản trị nội bộ, tự giác minh bạch hóa thông tin và thực hiện kiểm toán độc lập, đầu tư thỏa đáng cho phát triển thương hiệu và công nghệ mới. Có như vậy việc tái cấu trúc nền kinh tế mới phát huy hiệu quả.

Phản hồi

Các tin/bài khác