Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 5 năm 2016 - 2020

(VOV5) - Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao.

Tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm tiếp tục đạt những kết quả khá toàn diện: tăng trưởng đạt khá cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm bảo đảm, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên.

Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao; là cơ sở vững chắc để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 5 năm 2016 - 2020.           

Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 5 năm 2016 - 2020 - ảnh 1Toàn cảnh kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV - Ảnh: quochoi.vn 

Trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Dự kiến sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng năm 2019, Việt Nam vẫn đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều khía cạnh, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra. Đây sẽ là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng GDP ước khoảng 6,8%, lạm phát đạt dưới 3% và bội chi ngân sách 3,4% GDP trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều biến động. Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt có trọng tâm. Chính sách tài khóa được thực hiện quyết liệt, vượt thu ngân sách Trung ương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Sau hơn 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cơ đồ đất nước chưa bao giờ có được như ngày hôm nay, góp phần quan trọng vào sự phấn khởi, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Các tổ chức quốc tế uy tín và nhiều quốc gia, đối tác, đánh giá cao và khẳng định Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong khu vực và toàn cầu. Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư trong năm 2019. Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả 3 trụ cột là: Thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng." 

Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Sản xuất công nghiệp của Việt Nam đạt kết quả cao với trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt khá, lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp đạt kết quả cao, việc ổn định sản xuất chăn nuôi được thực hiện quyết liệt. Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế. Hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế đạt nhiều thành tựu quan trọng; quan hệ đối ngoại nghị viện phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu. Đồng thời công tác điều hành của Chính phủ tiếp tục có nhiều đổi mới, tập trung vào xử lý nhiều vấn đề kinh tế-xã hội khó khăn, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, thế và lực của Việt Nam ngày càng lớn mạnh; tình hình chính trị, xã hội ổn định; niềm tin của nhân dân được củng cố; tuy nhiên nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, Việt Nam cần tận dụng tốt cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cơ cấu dân số vàng trước thách thức của quá trình già hóa dân số. Phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020. 

Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020,  Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

"Dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2020, về kinh tế: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP. Về xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%." - Thủ tướng khẳng định.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp… tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo mọi thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Kiên trì, kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; tiếp tục củng cố quan hệ với các nước, đối tác.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác