Thông điệp mạnh mẽ của ông Donald Trump ngày đầu nhậm chức

(VOV5) - Ông Donald Trump khẳng định ông sẽ thực thi một loạt các chính sách quyết liệt ngay trong những giờ phút đầu tiên để thay đổi nước Mỹ.

Ngày 20/01, ông Donald Trump chính thức nhậm chức, trở thành Tổng thống thứ 47 trong lịch sử nước Mỹ. Trong ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng, người đứng đầu nước Mỹ đã đưa ra một loạt các thông điệp và thay đổi chính sách mạnh mẽ.

Thông điệp mạnh mẽ của ông Donald Trump ngày đầu nhậm chức - ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức ở Washington, DC., ngày 20/1/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump diễn ra trưa ngày 20/01, theo giờ địa phương, tại tòa nhà Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington D.C. Đây là lần thứ hai ông Donald Trump đảm nhiệm cương vị lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ, sau nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên từ 2016-2020.

“Kỷ nguyên vàng” cho nước Mỹ

Trong phát biểu đầu tiên sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố bắt đầu Kỷ nguyên vàng cho nước Mỹ. Theo ông Trump, việc ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái để trở lại Nhà Trắng là điều mà rất ít người tin rằng có thể xảy ra, nhưng chính chiến thắng này cho thấy Mỹ là quốc gia của “những điều không tưởng” và “điều mà người Mỹ giỏi nhất là làm được những điều không tưởng”. Tân Tổng thống Mỹ khẳng định chính quyền mới của ông sẽ tiếp tục hành trình thực hiện “những điều không tưởng” đó để đưa nước Mỹ trở lại vị thế được tôn trọng trên toàn thế giới. Ông Donald Trump cũng kêu gọi người dân Mỹ lấy lại niềm tin rằng 4 năm cầm quyền sắp tới của ông sẽ là 4 năm vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ: “Nước Mỹ sẽ một lần nữa tự xem mình là một quốc gia đang lớn mạnh, một quốc gia gia tăng sự thịnh vượng, mở rộng lãnh thổ, xây dựng các thành phố, nâng cao kỳ vọng của người dân và mang lá cờ Mỹ đến những chân trời mới tươi đẹp”.

Thông điệp mạnh mẽ của ông Donald Trump ngày đầu nhậm chức - ảnh 2Ông Trump ký các sắc lệnh hành pháp ngay sau lễ nhậm chức tại Washington vào ngày 20-1. Ảnh: Reuters

Cũng trong bài phát biểu nhậm chức, ông Donald Trump khẳng định ông sẽ thực thi một loạt các chính sách quyết liệt ngay trong những giờ phút đầu tiên để thay đổi nước Mỹ, từ việc điều binh lính đến bảo vệ biên giới phía Nam, trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp, đến việc giành lại sự kiểm soát của nước Mỹ đối với kênh đào Panama, đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ… Tân Tổng thống Mỹ cũng cho biết sẽ đầu tư lớn cho quân đội Mỹ, chấm dứt các phong trào sắc tộc và giới tính trong quân đội và các cơ quan công quyền.

Minh chứng cho các tuyên bố, ngay khi trở lại Nhà Trắng sau lễ nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký gần 100 sắc lệnh hành pháp liên quan tới hàng loạt lĩnh vực. Đáng chú ý, ông Trump đã quyết định rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris 2015 về khí hậu, điều mà ông từng làm trong nhiệm kỳ trước. Ông Trump cũng rút nước Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Liên quan đến tới vấn đề an ninh biên giới và nhập cư, ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới với Mexico, qua đó cho phép quân đội Mỹ hoàn thành việc xây dựng bức tường biên giới và triển khai lực lượng quân thường trực tới khu vực này. Tổng thống Trump cũng ký sắc lệnh chấm dứt quyền công dân dựa trên nơi sinh, vốn được ghi trong Tu chính án số 14 của Hiến pháp Mỹ.

Về thuế quan, ông Trump đã ký các sắc lệnh áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ Canada và Mexico, và áp thêm 10% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Ngoài ra, tân Tổng thống Mỹ cũng ký sắc lệnh tạo điều thuận lợi cho khai thác dầu mỏ, chấm dứt ưu đãi với xe điện, gia hạn thời gian hoạt động của mạng xã hội Tik Tok tại Mỹ để tạo điều kiện cho công ty mẹ ByteDance thoái vốn khỏi ứng dụng này.

Những tác động khó lường

Theo giới quan sát, một loạt các sắc lệnh hành pháp được ông Donald Trump ký ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức tạo ra những thay đổi lớn, thậm chí có tính đảo ngược, về chính sách của Mỹ, cả về đối nội và đối ngoại và gây ra những tác động mang tính toàn cầu. Việc Mỹ, một trong những quốc gia có lượng khí thải lớn nhất thế giới, rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris và đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng nhiên liệu hóa thạch chắc chắn sẽ tác động đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay trên thế giới. Rất nhiều chuyên gia hiện đang tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ cho rằng khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris, nhiều quốc gia khác có thể cũng sẽ giảm bớt các cam kết về đóng góp tài chính khí hậu hay kéo dài lộ trình cắt giảm khí thải. Đây là điều đáng lo ngại trong bối cảnh các quốc gia sẽ phải đệ trình Bản đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC), trong đó nêu rõ cam kết và lộ trình cắt giảm khí thải, lên Liên hiệp quốc vào đầu năm nay. Chuyên gia môi trường Pranshu Singhal, Giám đốc điều hành Karo Sambhav, một tổ chức môi trường Ấn Độ chuyên về kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, nhận định:“Tôi nghĩ thay đổi lớn nhất đang diễn ra, đặc biệt trong lĩnh vực khí hậu, đó là mọi người đang tự hỏi điều gì xảy ra với các Hiệp ước, điều gì xảy ra với các chính sách, điều gì sẽ xảy ra với các nghị định trong tương lại, liệu chúng ta có tiến lên được không? Đó thực sự là câu hỏi lớn”.

Nhiều quan chức lãnh đạo các quốc gia và tổ chức quốc tế cũng phản ứng sự thận trọng đối với những thay đổi chính sách dồn dập của nước Mỹ trong ngày đầu ông Donald Trump trở lại nắm quyền, đặc biệt là các quyết định rút nước Mỹ khỏi các tổ chức quốc tế và cơ chế đa phương hay việc gia tăng sức ép thương mại với các đối tác kinh tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác