Thực hiện đồng bộ các giải pháp để kinh tế tăng trưởng hiệu quả và bền vững

(VOV5)- Hai tháng đầu năm 2015, Việt Nam ghi nhận những kết quả tích cực trong điều hành kinh tế vĩ mô. Để hoàn thành các mục tiêu phát triển của cả năm cũng như tạo đà thuận lợi cho các năm tiếp theo, một loạt nhiệm vụ được Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai.

Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là những yếu tố quyết định tăng trưởng hiệu quả và bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới, các Bộ, ngành chức năng tập trung giải quyết những tồn tại trong các lĩnh vực này.

Cải thiện môi trường đầu tư
Việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ gắn bó chặt chẽ với các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. So với yêu cầu đặt ra, nhất là hiện nay trong thể chế luật pháp, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, thực thi công vụ vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, việc tiếp tục quan tâm thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia luôn là một yêu cầu cấp bách.

Do đó, các Bộ, ngành, địa phương phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, phải thực hiện thường xuyên, phải đưa ra các giải pháp, mục tiêu cụ thể cải cách, để đơn giản hóa thủ tục và cắt giảm thời gian làm các thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, thành lập doanh nghiệp…Việc cải cách hành chính không nói chung chung mà phải bằng những hành động cụ thể.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để kinh tế tăng trưởng hiệu quả và bền vững - ảnh 1
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng -Ảnh: VGP/Hồng Hạnh


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Quy định nằm trên giấy còn việc thực thi đúng lại phụ thuộc vào tổ chức bộ máy, con người. Chúng ta không kêu gọi chung chung nữa mà phải tập trung cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho người  dân, doanh nghiệp.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Năm 2015 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm đồng thời cũng là tiền đề để đề ra những mục tiêu kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới. Trên tinh thần đó, các Bộ, ngành, địa phương phải phấn đấu quyết liệt, nỗ lực cao nhất để đạt và vượt kế hoạch đề ra cho năm 2015. Trước hết cần tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, bởi đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định.Việc tháo gỡ khó khăn phải làm đồng bộ nhưng trước mắt cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đó, từng bộ, ngành bằng hành động, chỉ tiêu và việc làm cụ thể nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây cũng là giải pháp thiết thực tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ:      Chúng ta phải làm đồng bộ nhiều việc nhưng tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện thủ tục nộp thuế, hải quan, bảo hiểm, đất đai, xây dựng, lập doanh nghiệp, phá sản doanh nghiệp. Ví dụ hệ thống hải quan của Việt Nam là hệ thống hải quan hiện đại. Bây giờ 8 bộ liên quan,8 Bộ trưởng kết nối với nhau thì giải quyết xong.Chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh đàng hoàng, không thua kém bất kỳ ai, tạo thuận lợi rất nhiều cho doanh nghiệp.

Thủ tướng lưu ý triển khai đồng bộ tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thông qua đẩy mạnh cổ phần hóa gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán; tái cơ cấu ngân hàng, dứt khoát đến cuối năm nay giảm nợ xấu xuống dưới 3% mà không sử dụng ngân sách Nhà nước đồng thời, tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô; giữ ổn định về tỷ giá, lãi suất; theo dõi để tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cho sản xuất, kinh doanh.

Song song với việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để đến hết năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6 ( thời gian nộp thuế còn 121,5 giờ (hiện là 247 giờ); số doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 95%, nộp thuế điện tử tối thiểu 90%; giảm mạnh thời gian thông quan với hàng xuất khẩu (tối đa 13 ngày), hàng nhập khẩu (14 ngày); thành lập doanh nghiệp tối đa 6 ngày. )

Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế
Năm 2015, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng trên các lĩnh vực mà trọng tâm là kinh tế. Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu tất cả các Bộ, ngành và địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch hội nhập quốc tế trong từng ngành, từng lĩnh vực; tập trung khai thác lợi thế các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và sắp ký kết để thúc đẩy phát triển. Trong quá trình này, việc mở cửa thị trường, cạnh tranh là tất yếu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Chúng ta phải phân tích kỹ, lĩnh vực nào phải mở từng bước để thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh để phát triển theo kinh tế thị trường. Bây giờ chúng ta phải cạnh tranh. Tôi nói đây là hội nhập có lộ trình, tính toán lợi ích, còn bảo hộ một chiều chỉ làm chậm sự phát triển của chúng ta.

Cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là những lĩnh vực có mối quan hệ tương hỗ, quyết định tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Việc Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh thực hiện tốt các lĩnh vực này là hướng đi phù hợp, góp phần  đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra./.

Phản hồi

Các tin/bài khác