(VOV5) - Những rào cản và thách thức nghiêm trọng vẫn đang hiện hữu, đe dọa nỗ lực hóa giải xung đột của cộng đồng quốc tế.
Được coi là một trong những điểm nóng của châu Phi và thế giới từ nhiều tháng qua, cuộc khủng hoảng tại Libya vừa đạt được tiến triển quan trọng, mở ra hy vọng có thể chấm dứt các cuộc giao tranh đẫm máu tái bùng phát từ hồi tháng 4/2019 khiến hơn 2.200 người thiệt mạng và hơn 170.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Tuy nhiên, giới phân tích đồng thời cảnh báo, vẫn còn quá sớm để hy vọng về một nền hòa bình thực sự cho quốc gia Bắc Phi.
Sau nhiều nỗ lực quốc tế, đặc biệt là của hai nước Nga và Đức, Hội nghị hòa bình quốc tế về Libya đã được tổ chức tại Berlin (Đức) cuối tuần qua, với sự tham dự của lãnh đạo 11 quốc gia, Tổng thư ký Liên hợp quốc, cùng nhiều tổ chức quốc tế lớn như Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi và Liên đoàn A rập. Đáng chú ý, Hội nghị đã đạt được kết quả quan trọng với việccác bên đã nhất trí về một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.
Đặc phái viên LHQ tại Libya Ghassan Salame, Tổng Thư ký LHQ António Guterres, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas (từ trái sang) trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị hòa bình quốc tế về Libya ở Berlin ngày 19/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cam kết quốc tế và hy vọng chấm dứt xung đột
Trong cuộc họp báo ngay sau Hội nghị tối 19/01, Thủ tướng Đức Merkel khẳng địnhsau quá trình đàm phán nghiêm túc và hợp tác, các bên đã nhất trí về một giải pháp chính trị toàn diện để giải quyết cuộc khủng hoảng Libya. Thủ tướng Đức tin tưởng, đây là bước tiến đầu tiên hướng tới hòa bình cho người dân Libya. Theo đó, dù chưa thể giải quyết ngay được các vấn đề, song Hội nghị đã tạo lập được quyết tâm của các bên nhằm hướng tới những bước đi tiếp theo, trong đó có việc nhất trí về một tiến trình ràng buộc với trách nhiệm của các bên liên quan trong sứ mệnh thiết lập và thực thi một lệnh ngừng bắn toàn diện.
Cũng tại Hội nghị, các nước đã cam kết sẽ không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Libya và tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya, được Liên Hợp Quốc thông qua năm 2011.
Theo giới phân tích, việc các nước cam kết thúc đẩy hòa bình, chấm dứt can thiệp và không “tuồn” vũ khí vào Libya, được tin là sẽ giúp giảm nhiệt đáng kể tình trạng đối đầu căng thẳng hiện nay, tạo xung lực cho đối thoại hòa giải giữa các bên tại Libya.
Thách thức và trở ngại
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đồng thời cảnh báo, vẫn còn quá sớm để hy vọng vào một giải pháp khả thi cho cuộc xung đột tại quốc gia Bắc Phi. Những rào cản và thách thức nghiêm trọng vẫn đang hiện hữu, đe dọa nỗ lực hóa giải xung đột của cộng đồng quốc tế.
Thứ nhất là bởi hai bên đối địch chính tại Libya vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung. Ngay tại Hội nghị quốc tế Berlin, điều được dư luận quốc tế rất chờ đợi là cuộc gặp giữa thủ lĩnh hai lực lượng đối địch lớn nhất tại Libya, đã không thể diễn ra. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA), ông Fayez al-Sarraj và người đứng đầu lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA), Tướng Haftar, đã không chấp nhận tiến hành cuộc gặp mặt trực tiếp. Chính đại diện của Nga, nước có ảnh hưởng lớn với lực lượng LNA, đã nhận xét rằng, việc hai bên không thể tiến hành cuộc gặp là “rất đáng tiếc”. Ở đây, cũng cần nói thêm rằng, chỉ một tuần trước đó, đại diện cấp cao GNA và LNA đã không thể nhất trí về một lệnh ngừng bắn do Nga và Thổ Nhỹ Kỳ xây dựng, khi tiến hành đàm phán tại Moscow (Nga).Thực tế này được hiểu là lòng tin giữa hai bên vẫn chưa được thiết lập, hoặc dù có hình thành nhưng chưa đủ lớn để có thể ngồi lại đối thoại với nhau.
Thứ hai là bởi tình hình thực địa tại Libya đang vô cùng phức tạp, với sự hiện diện của rất nhiều nhóm vũ trang không hoàn toàn thuộc về phe phái nào trong tiến trình đàm phán. Việc đảm bảo các lực lượng này tuân thủ một lệnh ngừng bắn có thời hạn đã khó, chứ chưa nói đến việc tuân thủ cả một tiến trình hòa bình dài hơi. Hơn thế, việc có quá nhiều quốc gia can dự hoặc có ảnh hưởng tới cục diện tại Libya, cũng là một thách thức. Nhiều nhà phân tích lo ngại, một khi cục diện tại đây biến đối theo hướng bất lợi cho một bên quốc tế nào đó, cam kết không can thiệp từ bên ngoài sẽ đối mặt với nguy cơ không được tuân thủ rất cao.
Dẫu vậy, với sự nỗ lực nghiêm túc của các nước, đặc biệt là Nga và Đức, dư luận quốc tế vẫn đặt kỳ vọng cao về những tiến triển tích cực trong tiến trình hòa bình Libya, tin tưởng vào khả năng đạt được lệnh ngừng bắn trong thời gian sắp tới, mở ra hy vọng chấm dứt đau khổ cho người dân quốc gia Bắc Phi.