Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hướng tới hợp tác toàn diện

(VOV5) - Trong 2 ngày 6 - 7/6, tại Trung Quốc, diễn ra Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 12 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) với sự tham dự của nguyên thủ 6 quốc gia thành viên cùng lãnh đạo các nước quan sát viên, các đối tác đối thoại. Nhiều nội dung hợp tác chiến lược của SCO cũng như các giải pháp mở rộng tầm ảnh hưởng của SCO được đưa ra tại Hội nghị hứa hẹn sẽ mở ra triển vọng mới khi Tổ chức này bước vào thập kỷ thứ 2 của tiến trình phát triển.

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hướng tới hợp tác toàn diện - ảnh 1
Ảnh: Internet

SCO hiện có 6 thành viên đầy đủ gồm Nga, Trung Quốc và 4 quốc gia Trung Á là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Ngoài ra, tại Hội nghị lần này, các nước Ấn Độ, Iran, Mông Cổ và Pakistan tham dự với tư cách quan sát viên. Belarus và Sri Lanka là các đối tác đối thoại. Tại Hội nghị, lãnh đạo các nước thành viên SCO đã nhất trí rằng SCO đã đóng một vai trò chủ chốt trong thúc đẩy hợp tác, liên kết đấu tranh với các mối nguy hiểm và thách thức cũng như duy trì an ninh và ổn định khu vực. Minh chứng cho điều này, Tổng thư ký SCO, Muratbek Imanalyev, cho biết trong chương trình làm việc dày đặc, Hội nghị dành ưu tiên cho nội dung đấu tranh chống khủng bố, ly khai và cực đoan với việc xem xét thông qua Chương trình chống khủng bố, ly khai và cực đoan giai đoạn 2013 - 2015. Điều này cũng đúng với tinh thần mà Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phát biểu trước thềm khai mạc Hội nghị rằng để đối phó với những thách thức an ninh, các thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cần tiếp tục tăng cường khả năng chống lại các mối đe dọa và nguy cơ, tự kiểm soát các vấn đề khu vực và đóng vai trò lớn hơn trong việc tái thiết hòa bình ở Afghanistan. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho biết Tổ chức Hợp tác Thượng Hải sẽ thành lập một hệ thống được cải tiến về hợp tác an ninh để đảm bảo an ninh chung và lợi ích phát triển của các nước thành viên. Các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cũng sẽ xem xét đưa ra những chính sách lâu dài để duy trì hòa bình, phát triển và hợp tác cho phù hợp với tình hình mới.


Ngoài ra, mở rộng SCO cũng là triển vọng tất yếu của tổ chức này. Chính vì vậy, việc các thành viên SCO quyết định kết nạp Afghanistan làm quan sát viên đã nhận được sự hoan nghênh của Nga và Trung Quốc. Theo các nhà quan sát, mối quan hệ với Afghanistan sẽ mang lại cho SCO cơ hội mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài khu vực Trung Á, nhất là sau khi Mỹ và NATO sẽ rút quân khỏi quốc gia này vào năm 2014.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh SCO, bên cạnh hợp tác về an ninh, hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên là một trong những ưu tiên hàng đầu của tổ chức này. Theo Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, vận tải là một lĩnh vực mà Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cần hợp tác phát triển, trong đó tổ chức đang xem xét một thỏa thuận giúp giao thông xuyên quốc gia trở nên thuận tiện hơn. Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi các nước thành viên cần chú trọng hợp tác trước hết trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và hạ tầng cơ sở, nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là thông tin truyền thông. Một tiềm năng đáng kể khác của tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải chính là phát triển các quan hệ trực tiếp giữa các doanh nghiệp và tập đoàn của các nước thành viên. Những lời kêu gọi hợp tác này phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của các nước thành  viên SCO khi mà hợp tác kinh tế khu vực đã gia tăng nhanh chóng kể từ khi 6 nước thành viên SCO ký thoả thuận tăng cường quan hệ thương mại. Theo thống kê, tổng kim ngạch mậu dịch của các nước thành viên SCO đã đạt gần 4700 tỷ USD, tăng trung bình 25%/ năm. Tổng giá trị GDP của 6 nước thành viên SCO năm 2011, đạt hơn 9.300 tỷ USD, bất chấp ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Hiện nay, việc thành lập Ngân hàng phát triển SCO đang được các nước nghiên cứu.

Được thành lập từ năm 2001, sau hơn 10 năm phát triển, Tổ chức hợp tác Thượng Hải đang dần khẳng định vai trò trong các vấn đề khu vực và đang ngày càng hướng đến hợp tác toàn diện giữa các quốc gia thành viên./.

 

 

Phản hồi

Các tin/bài khác