Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới giáo dục đào tạo

(VOV5) - Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong giáo dục, kiến thức là rất cần thiết, nhưng nội dung của giáo dục cần phù hợp với mỗi lứa tuổi, mỗi cấp học, mỗi bậc học. 

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục luôn có ý nghĩa thực tiễn cụ thể. Giáo dục đào tạo là nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam hướng tới việc xây dựng con người mới, con người xã hội Chủ nghĩa. Đó chính là sáng tạo trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đào tạo.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới giáo dục đào tạo - ảnh 1

Ảnh tư liệu

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp trồng người. Ngoài những lần nói chuyện trực tiếp ở 1 số trường, Người đã viết 23 bức thư gửi ngành Giáo dục. Trong đó, Người đặc biệt coi trọng việc “học đi đôi với hành” và Vai trò quan trọng của người thầy trong công cuộc dạy và học. Thực hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục triển khai thực hiện bằng việc đổi mới căn bản và toàn diện, với trọng tâm hướng tới mục tiêu “giáo dục con người Việt Nam toàn diện”. 

Giáo dục phải gắn học với hành

Trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 5/9/1945,Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nền giáo dục mới sẽ “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Theo Người, nền giáo dục mới phải thực hiện dạy và học theo hướng phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc dạy và học phải xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn cuộc sống.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong giáo dục, kiến thức là rất cần thiết, nhưng nội dung của giáo dục cần phù hợp với mỗi lứa tuổi, mỗi cấp học, mỗi bậc học. Trong bức thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ và thanh niên ngày 31/10/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đối với Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của đất nước, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Các quan điểm về nội dung của giáo dục mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn ở trên được xem là những yêu cầu bắt buộc của một nền giáo dục mới để đào tạo ra những con người mới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới giáo dục đào tạo - ảnh 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp giáo dục. Người nhấn mạnh muốn học tập có kết quả tốt thì phải có phương pháp giáo dục đúng đắn. Mục đích là làm cho người học có thái độ học tập, rèn luyện tích cực và tự giác, có như vậy việc tiếp thu nội dung giáo dục mới nhanh chóng, hiệu quả, đạt mục tiêu. 

Về điều này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thanh nhấn mạnh: "Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đơn giản là học đi đôi với hành, học thì học các vấn đề về lý thuyết và phải thực hành. Hành ở đây là thực hành nhưng không có nghĩa là chúng ta học rồi chúng ta thực hành các điều đã học. Hành ở đây còn có nghĩa là thông qua hành chúng ta được trải nghiệm thì chúng ta sẽ khám phá ra những điều mới trong lý thuyết. Đấy là những tư tưởng mà hiện nay trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã đưa rất rõ nét".

Cùng với vai trò, nội dung, phương pháp giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành sự chú ý đáng kể đối với các giải pháp phát triển giáo dục. Trong các giải pháp phát triển giáo dục được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập, việc kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội là giải pháp quan trọng trong phát triển giáo dục.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển giáo dục ở Việt Nam hiện nay

Tiếp thu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng tầm quan trọng của giáo dục, coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng và toàn dân. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000 đã xác định tư tưởng chỉ đạo phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong bối cảnh mới với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trên cơ sở tổng kết và kế thừa việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (04/11/2013) Đảng cũng ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo đó, các quan điểm chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong tình hình mới là: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ. Cùng với đó, đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. 

Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay, nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục vẫn còn nguyên giá trị. "Tôi nghĩ rằng đó là nhận định hoàn toàn chính xác. Chính phương thức giáo dục  Người là lấy hoạt động học của người học là trung tâm đòi hỏi vai trò người thầy không phải là "nguồn tri thức" mà là người tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt đông học của học sinh. Vai trò đó đòi hỏi người thầy phải biết kiến tạo các tình huống học tập, tạo động lực cho học sinh hoạt động học để chiếm lĩnh tri thức… Làm tốt vai trò đó thì người thầy đã thực hiện tốt vai trò "truyền cảm hứng" cho người học" - ông Chuẩn nói.

Tư tưởng học đi đôi với hành của chủ tịch Hồ Chí Minh, giờ đây được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO thể hiện thông qua 4 trụ cột là: “Học để biết”; “Học để làm”; “Học để cùng chung sống” và “Học để làm người”. Đây cũng chính là 4 quan điểm cốt lõi của sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của Việt Nam. Với vị trí trung tâm là người học, dưới sự dẫn dắt của người thầy, giáo dục Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác