Vấn đề Biển Đông trên bàn nghị sự AMM-48

(VOV5) - Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 (AMM-48) và Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN lần thứ 22 (ARF-22) chính thức khai mạc tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Bên cạnh việc thảo luận thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay, tiến độ về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015, các Bộ trưởng cũng trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó,  vấn đề Biển Đông nổi lên là mối quan tâm đặc biệt của không chỉ các nước trong mà cả ngoài khu vực.

 

Vấn đề Biển Đông trên bàn nghị sự AMM-48 - ảnh 1
Khai mạc hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 tại Malaysia.


Tham dự AMM-48 và các hội nghị liên quan sau đó có khoảng 20 Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN, các nước đối tác và các nước đối thoại của ASEAN. Mặc dù vấn đề Biển Đông không được ghi trên nghị trình chính thức của hội nghị quy tụ các ngoại trưởng ASEAN kỳ này, nhưng đây chắc chắn là chủ đề được tập trung bàn thảo nhiều nhất, do căng thẳng đang ngày càng tăng cao với những tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại vùng biển có nhiều tiềm năng dầu khí này.

 

“Nóng” khi AMM-48 chưa bắt đầu

Ngay trước thềm hoạt động thường niên quan trọng của ASEAN, vấn đề Biển Đông đã trở thành “trọng tâm” chú ý, thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông quốc tế, bởi những tuyên bố và phát biểu của các quan chức cấp cao, giới phân tích trong và ngoài khu vực. Ngay trước thềm khai mạc AMM-48, Ngoại trưởng nước chủ nhà Malaysia Anifah Aman khẳng định vấn đề Biển Đông sẽ rất “nóng” tại AMM-48 khi có nhiều nước đang hết sức lo ngại trước những thách thức an ninh nổi lên trong khu vực, đặc biệt là vấn đề tự do, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Người đứng đầu ngành ngoại giao Malaysia cũng nhấn mạnh rằng những diễn biến mới đây trên Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp đang làm leo thang căng thẳng trong khu vực và xói mòn lòng tin của các bên. Trong khi đó, phát ngôn viên quân đội Phiippines Restituto Padilla kêu gọi các nước ASEAN đoàn kết, cùng cất tiếng nói chung để ngăn chặn các hành động phi pháp và gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Còn quan chức ngoại giao Hoa Kỳ thì khẳng định Biển Đông sẽ là “vấn đề trọng tâm” ở AMM-48 và ASEAN cũng như Hoa Kỳ đề rất lo ngại về quy mô, tốc độ và ý đồ của hoạt động bồi đắp mà Trung Quốc đang thực hiện. Và AMM-48 là cơ hội để các nước ASEAN trực tiếp bày tỏ quan ngại với phía Bắc Kinh về những hành vi mà nhiều quốc gia coi là mang tính khiêu khích.

 

Trái ngược với quan điểm và phát biểu của nhiều nước, Trung Quốc lên tiếng cho rằng ASEAN không phải là nơi bàn thảo về Biển Đông. Phát biểu với báo giới tại Kuala Lumpur, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho rằng cuộc gặp hàng năm giữa các nước ASEAN và những quốc gia khác nhằm vào mục đích hợp tác, xây dựng quan hệ trong nhiều lĩnh vực, chứ không phải là nơi để bàn thảo về chuyện Biển Đông. Bắc Kinh còn lớn tiếng tuyên bố phản đối sự can thiệp không cần thiết của một số nước bên ngoài.

 

Sự cần thiết đi tìm sự đồng thuận về giải pháp cho Biển Đông

Những năm gần đây, các tranh chấp Biển Đông ngày càng gia tăng và có xu hướng căng thẳng hơn. Còn nhớ, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vấn đề làm sao tìm ra một giải pháp giải quyết căng thẳng ở Biển Đông đã dấy lên trong khu vực, lôi kéo cả sự quan tâm của Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số đối tác khác của ASEAN. Trong khi Philippines tìm sự ủng hộ của trọng tài quốc tế để giải quyết các tranh chấp, Việt Nam và các nước ASEAN khác lại nỗ lực thúc đẩy tiến trình đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), vốn bị trì hoãn nhiều năm nay.

 

Một năm qua, kể từ AMM-47, tiến trình xây dựng COC vẫn “dậm chân tại chỗ”. Có chăng mới chỉ dừng lại ở những tuyên bố và những cuộc gặp xã giao chứ chưa đạt kết quả thực chất. Tuy nhiên, cuối tháng 7 vừa qua đã xuất hiện tín hiệu đáng mừng đầu tiên khi ASEAN và Trung Quốc nhất trí thành lập “đường dây nóng” để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông. Bên cạnh đó, hai bên cũng đồng thuận triển khai giai đoạn tiếp theo của COC, cụ thể là về khuôn khổ, kết cấu và các yếu tố của COC, cũng như các vấn đề khó khăn, phức tạp liên quan.

 

Các chuyên gia độc phân tích cho rằng đường dây nóng giải quyết khẩn cấp các vấn đề trên Biển Đông là một bước tiến khả quan, giúp tháo ngòi căng thẳng những va chạm ở Biển Đông, song một bộ Quy tắc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) mới là điều quan trọng nhất. Các bên cần phải sớm đạt được COC để giải quyết khẩn trương tình trạng xói mòn lòng tin giữa các bên hiện nay. Trong khi đang thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và khẩn trương tiến tới COC, điều quan trọng là các bên “đóng băng” toàn bộ hoạt động khiêu khích và làm rõ tuyên bố chủ quyền theo luật pháp quốc tế, tránh mọi diễn biến có thể dẫn đến nguy cơ gia tăng quân sự hóa. Là một cơ chế hợp tác mở, ASEAN đang ngày càng khẳng định là một nhân tố quan trọng trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh ở khu vực. Vì vậy, dư luận đang hết sức trông chờ vào một sự đồng thuận về giải pháp cho Biển Đông tại Hội nghị lần này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác