(VOV5) - Những hành động như vậy đã tạo ra vô số mâu thuẫn giữa thế giới Hồi giáo và các xã hội châu Âu, làm gia tăng hiện tượng bài Hồi giáo, hệ tư tưởng cực đoan và khủng bố...
Dự kiến đầu tuần tới (ngày 11/7), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) sẽ tổ chức phiên họp khẩn cấp nhằm thảo luận về vụ đốt kinh Koran xảy ra bên ngoài đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển) hôm 28/6.
Vụ việc là hồi chuông báo động về sự gia tăng hành động hận thù tôn giáo, tạo thêm mâu thuẫn giữa thế giới Hồi giáo và các xã hội châu Âu, là nguy cơ gây ra những hành động thù hận và bạo lực trên thế giới.
Biểu tình bên ngoài sứ quán Thuỵ Điển ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, phản đối hành động đốt kinh Koran, ngày 21/3/2023 - Ảnh: AFP/TTXVN |
Đốt kinh Koran là bất hợp pháp ở hầu hết các quốc gia Hồi giáo và có thể bị kết án tử hình. Cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng nhân quyền được triệu tập theo yêu cầu của Pakistan, đại diện cho một số thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), bao gồm cả những thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Hội đồng sẽ thảo luận về sự gia tăng đáng báo động các hành vi hận thù tôn giáo ở một số nước châu Âu và các nước khác khi xúc phạm thường xuyên kinh Koran.
Cộng đồng Hồi giáo phẫn nộ
Cơn thịnh nộ của thế giới Hồi giáo đã lên cao trong những ngày qua sau khi Salwan Momika, một người Iraq sống tại Thụy Điển, đốt kinh Koran ngay bên ngoài nhà thờ Hồi giáo ở thủ đô Stockholm hôm 28/6, ngày bắt đầu lễ Eid al-Adha quan trọng của những người theo đạo Hồi.
Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco, Iraq, Pakistan, Kuwait, Iran… chỉ trích gay gắt vụ việc. Trong phản ứng sớm nhất trên trang Twitter cá nhân, ngày 29/6, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan lên án việc nhà chức trách Thụy Điển cho phép những hành động chống Hồi giáo này diễn ra là không thể chấp nhận được. Iraq, Kuwait, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Morocco, Jordan đã triệu quan chức ngoại giao của Stockholm để phản đối và yêu cầu chấm dứt mọi hành động trực tiếp chống lại các nỗ lực quốc tế trong việc truyền bá các giá trị về lòng khoan dung, ôn hòa và bài trừ tư tưởng cực đoan. Iran đã tạm hoãn bổ nhiệm Đại sứ tại Thụy Điển. Một số quốc gia Hồi giáo khác chỉ trích chính quyền Thụy Điển nhân danh quyền tự do ngôn luận để cho những người như Momika xúc phạm Hồi Giáo.
Phản ứng ở góc độ đa phương, ngày 2/7, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OCI), có trụ sở tại UAE, kêu gọi các thành viên đoàn kết và có hành động tập thể để tránh tái diễn hành vi mang tính báng bổ này. Ngày 1/7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên án vụ việc, đồng thời nhấn mạnh phải có biện pháp ngăn chặn hiện tượng bài Hồi giáo. Cùng ngày, Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) cho biết việc một cá nhân ở Thụy Điển đốt kinh Koran không phản ánh quan điểm của Liên minh châu Âu (EU). EU lên án hành vi này và kêu gọi tránh làm leo thang tình hình.
Đối tượng Salwan Momika bên ngoài một đền thờ Hồi giáo tại thủ đô Stockholm - Nguồn: AFP |
Về phía Thụy Điển, trước nguy cơ xảy ra các động thái trả đũa ngoại giao mới, và cũng để tránh những rắc rối liên quan đến tiến trình gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), lần đầu tiên, bộ Ngoại Giao Thụy Điển đánh giá hành động đốt kinh Koran là bài Hồi giáo. Cũng theo bộ Ngoại Giao, ở Thụy Điển, không có chỗ cho tư tưởng phân biệt sắc tộc, bài ngoại và thiếu khoan dung, cho dù Hiến Pháp Thụy Điển bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Đào sâu mâu thuẫn giữa thế giới Hồi giáo và xã hội châu Âu
Vụ việc đốt kinh Koran ở Thụy Điển vừa qua không phải là vụ việc đầu tiên khiến thế giới Hồi giáo phẫn nộ vì tôn giáo của họ bị phỉ báng. Hồi tháng 9/2005, một tờ nhật báo lớn của Đan Mạch in 12 bức tranh biếm họa Nhà tiên tri Muhammad, cũng đã dẫn tới những cuộc biểu tình bạo động kéo dài hàng tháng trời của người theo đạo Hồi. Tháng 2 năm 2012, các cuộc biểu tình lớn cũng diễn ra tại Afghanistan để phản đối vụ các binh sĩ Mỹ đốt Kinh Koran. Cùng năm đó, Bộ phim “Sự ngây thơ của người Hồi giáo”, do một người Mỹ sản xuất, bị cho là phỉ báng Nhà tiên tri Muhammad, cũng gây ra phản ứng dữ dội… Đó còn là động thái giễu cợt người Hồi giáo của Tạp chí Charlie Hebdo (Pháp) năm 2015, dẫn đến vụ xả súng vào trụ sở Tạp chí này tại thủ đô Paris, khiến 12 người thiệt mạng, 11 người khác bị thương.
Và lần này, giới hạn của quyền tự do cá nhân theo kiểu phương Tây, lại bị đặt trước những câu hỏi gay gắt, khi nó tạo nên những rắc rối tiềm ẩn đầy cạm bẫy. Vụ việc là đòn giáng mạnh vào mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển, ứng cử viên gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang bị Ankara ngăn cản.
Rộng hơn, những hành động như vậy đã tạo ra vô số mâu thuẫn giữa thế giới Hồi giáo và các xã hội châu Âu, làm gia tăng hiện tượng bài Hồi giáo, hệ tư tưởng cực đoan và khủng bố, gieo mầm cho những hành động thù hận và bạo lực trên thế giới. Vụ việc hoàn toàn có thể trở thành cái cớ để các nhóm Hồi giáo cực đoan (không loại trừ cả những tay khủng bố theo phong cách “sói đơn độc”) hoạt động trở lại, thậm chí là ngay trong lòng các xã hội phương Tây, khi được thúc đẩy bởi cơn thịnh nộ chung của các tín đồ Hồi giáo.