Cộng đồng quốc tế nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng tại Trung Đông

(VOV5) - Chiều 6/4, ít nhất 34 tên lửa được phóng từ miền Nam Lebanon vào khu vực miền Bắc Israel.

Những ngày qua, bạo lực đẫm máu tiếp tục xảy ra giữa quân đội Israel và người Palestine ở cả dải Gaza và khu Bờ Tây, đồng thời lan rộng sang lãnh thổ Lebanon cùng khu vực cao nguyên Golan đang tranh chấp giữa Israel và Syria. Nguy cơ một vòng xoáy bạo lực mới có thể bùng phát tại Trung Đông kéo theo những hệ lụy khó lường buộc cộng đồng quốc tế phải tăng cường nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng, kiểm soát tình hình.   

Cộng đồng quốc tế nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng tại Trung Đông - ảnh 1Lực lượng an ninh Israel được triển khai sau các cuộc đụng độ với người Palestine tại đền Al-Aqsa (Israel gọi là Núi Đền) ở Đông Jerusalem, ngày 5/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngọn nguồn của đợt bùng phát bạo lực mới nhất tại Trung Đông là vụ đột kích của quân đội Israel vào khu vực Núi Đền, còn người Palestine gọi là Đền thờ Al-Aqsa, ở Đông Jerusalem vào sáng sớm 5/4. Các vụ tấn công trả đũa qua lại giữa hai bên sau đó khiến cục diện tại Trung Đông rơi vào tình thế được mô tả là “cực kỳ nguy hiểm”, có thể bùng phát thành một đợt xung đột dẫm máu mới với những hệ quả khó lường.

Bạo lực nguy hiểm

Theo các nguồn tin, trong cuộc đột kích vào Núi Đền/Al-Aqsa ở Đông Jerusalem sáng 5/4, quân đội Israel đã bắt giữ hơn 350 người Palestine. Điều đáng nói là vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm nhạy cảm: người Do thái (Israel) bắt đầu tuần lễ Quá hải quan trọng nhất trong năm, còn người Hồi giáo Palestine đang ở giữa kỳ của tháng lễ Ramadan linh thiêng.

Cộng đồng quốc tế nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng tại Trung Đông - ảnh 2Khói và lửa bốc lên dữ dội do đợt không kích của quân Israel nhắm vào Dải Gaza trong ngày 7/4/2023. Ảnh: AP

Một ngày sau đó, quân đội Israel ra tuyên bố cho biết: chiều 6/4, ít nhất 34 tên lửa được phóng từ miền Nam Lebanon vào khu vực miền Bắc Israel và thủ phạm của các vụ phóng tên lửa này là nhóm Hồi giáo Hamas đang kiểm soát dải Gaza. Phần lớn số tên lửa này bị hệ thống phòng không Vòm sắt (Iron Dome) của Israel bắn hạ, nhưng vẫn khiến hai người bị thương nhẹ và gây ra một số thiệt hại vật chất. Ít giờ sau đó, sáng 7/4, quân đội Israel đáp trả bằng việc tiến hành hàng loạt cuộc không kích nhằm vào cơ sở hạ tầng của Hamas ở miền Nam Lebanon và dải Gaza. Đây là lần đầu tiên Israel xác nhận việc thực hiện cuộc tấn công vào lãnh thổ Lebanon kể từ tháng 4/2022. Cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ký sắc lệnh huy động lực lượng cảnh sát và quân đội dự bị để sẵn sàng đối phó với nguy cơ bạo lực leo thang.

Đáng chú ý, sang ngày 8/4, quân đội Israel thông báo có ba quả rocket đã được bắn từ Syria về phía Cao nguyên Golan mà Israel đang kiểm soát. Ngay lập tức, pháo binh Israel đã tấn công vào lãnh thổ Syria để đáp trả.

Còn tại khu Bờ Tây, đụng độ liên tiếp được ghi nhận giữa quân đội Israel và người vũ trang Palestine kể từ ngày 5/4. Trong đó, vụ đụng độ mới nhất xảy ra ngày 10/4 ở trại tỵ nạn Aqaba thuộc thành phố Jericho, khiến một người Palestine thiệt mạng cùng ít nhất 5 người bị thương.  

Ngăn chặn nguy cơ leo thang xung đột

Truyền hình tiếng A rập Aljazeera cùng nhiều nguồn tin khu vực đánh giá cục diện hiện nay ở cả khu Bờ Tây, dải Gaza cũng như tại hai khu vực biên giới Israel-Lebanon và Israel-Syria là rất nguy hiểm và đáng lo ngại. Trong đó, đáng lo ngại nhất là nguy cơ các cuộc tấn công qua lại giữa Israel và Hamas ở miền Nam Lebanon có thể lôi kéo sự tham gia của Hezbolla, nhóm Hồi giáo vũ trang lớn nhất tại Lebanon và đã nhiều lần xung đột đẫm máu với quân đội Israel trong quá khứ. Còn tại các vùng đất Palestine là dải Gaza và khu Bờ Tây, nếu không được kiểm soát tốt, tình hình có thể leo thang thành vòng xoáy bạo lực đẫm máu mới tương tự, thậm chí nguy hiểm hơn các cuộc nổi dậy Intifada của người Palestine trước đây.

Trước thực tế này, cộng đồng quốc tế liên tiếp tiến hành nhiều nỗ lực nhằm hạ nhiệt tình hình, ngăn chặn bạo lực theo thang. Ngày 8/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel Isaac Herzog, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin điện đàm với người đồng cấp Israel Yoav Gallant để hối thúc giới chức Israel kiềm chế bạo lực, hạ nhiệt căng thẳng.

Cùng ngày, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, bình tĩnh trong bối cảnh đang diễn ra các lễ tôn giáo quan trọng. Ông Borrell tuyên bố EU kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực đang diễn ra, nhấn mạnh tất cả các nỗ lực phải được thực hiện để ngăn xung đột lan rộng.

Trước đó, giới chức các nước Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp… cũng kêu gọi các bên kiềm chế, giảm căng thẳng, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế và các bên liên quan tìm ra biện pháp thích hợp cho vấn đề Palestine.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác