Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến đi của Thủ tướng


(VOV5) - Các nước đều đánh giá cao sự phối hợp của Việt Nam với các nước này trên các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế.


Nhân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết thúc chuyến công tác từ ngày 29/5 - 6/6, tham dự lễ ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu tại Cộng hòa Kazakhstan, thăm chính thức Algeria, Bồ Đào Nha và Bulgaria, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến đi.

 

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến đi của Thủ tướng   - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN


 
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn trong khi chặng thăm Kazakhstan mang nhiều ý nghĩa liên kết kinh tế đa phương, thì các chặng tiếp theo tại Algeria, Bồ Đào Nha và Bulgaria là sự kết nối của các mối quan hệ song phương khá đa dạng. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết việc ký Hiệp định Thương mại tự do đầu tiên giữa các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu với Việt Nam là sự kiện lịch sử; mở ra định hướng hợp tác không chỉ với Việt Nam với tư cách một quốc gia, mà còn với ASEAN, một khu vực rộng lớn. Nhiều biện pháp cụ thể đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các nước xác định ngay để các bộ, ngành triển khai trong thời gian tới. Các nước đều đánh giá cao sự phối hợp của Việt Nam với các nước này trên các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế, đánh giá cao vị thế và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam tại khu vực và trên quốc tế, mong muốn tiếp tục trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, nhất là tại Liên hợp quốc và nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế khác. Các nước đều chia sẻ lo ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, chia sẻ quan điểm cần duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn trên biển và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; ủng hộ việc tuân thủ và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

 


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác