(VOV5) - Thủ đô Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước và cũng là nơi có nhiều nghệ nhân tài hoa nhất cả nước.
Dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” đang được Hiệp hội làng nghề Việt Nam xây dựng tại làng Bát Tràng, Hà Nội gần 1 năm nay. Theo kế hoạch, dự án này sẽ được khánh thành vào cuối năm 2019. Đây sẽ là nơi lưu giữ, bảo tồn và giới thiệu, quảng bá tinh hoa nghệ thuật của các làng nghề Việt Nam tới du khách trong nước và quốc tế.
Sản phẩm lụa của làng lụa Vạn Phúc - Ảnh: Lan Anh/VOV5
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ở Việt Nam hiện nay có hơn 5400 làng nghề với khoảng 50 nhóm nghề, trong đó riêng ở Hà Nội có 1350 làng nghề, chiếm gần 1/3 số lượng làng nghề cả nước. Hiệp hội làng nghề Việt Nam chọn Hà Nội thí điểm xây dựng dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” bởi Hà Nội là nơi hội tụ, giao lưu, kết tinh, lan tỏa nghề truyền thống Việt Nam. Bát Tràng lại là một trong những làng nghề tiêu biểu nhất Việt Nam có đội ngũ nghệ nhân đông nhất cả nước (75 nghệ nhân) và các sản phẩm gốm sứ của làng Bát Tràng mang tầm quốc gia, xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Du khách thích thú khi đến với chợ gốm Bát Tràng - Ảnh: Lan Anh/VOV5
|
Dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” xây dựng với số vốn hơn 100 tỷ đồng (tương đương hơn 4 triệu USD), mặt bằng diện tích 3.300 mét vuông gồm có nhiều công năng, giới thiệu sản phẩm gốm sứ, mây tre đan, lụa, đồ gỗ, tò he, hàng thủ công mỹ nghệ...
Bà Hà Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, cho biết: “Mô hình chúng tôi có Trung tâm giới thiệu sản phẩm của các làng nghề tiêu biểu nhất của Hà Nội, của các nghệ nhân đại diện cho các làng nghề tiêu biểu Việt Nam. Chúng tôi dự kiến mở ở đây từ 15 đến 20 làng nghề tiêu biểu Việt Nam. Ở đây sẽ là nơi giao lưu Hà Nội với cả nước của chương trình mỗi làng một sản phẩm. Qua đó, giới thiệu với du khách trong và ngoài nước hiểu được cái hồn cốt, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam qua ngành thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra trung tâm này kết nối đón tour du lịch vào làng Bát Tràng. Chúng tôi muốn đưa du khách vào thăm nhà các nhà nghệ nhân làng Bát Tràng rồi kể cho họ những câu chuyện làm nghề”.
Du khách thích thú khi đến với chợ gốm Bát Tràng - Ảnh: Lan Anh/VOV5
|
Công trình “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” còn có 1 trại sáng tác nghệ thuật dành cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, sinh viên trường đại học mỹ thuật công nghiệp, cũng như những người yêu gốm sứ. Ở đây có đầy đủ phương tiện kỹ thuật, máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu để sáng tác sản phẩm.
Dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” được ví như một bảo tàng làng nghề. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, cho rằng: “Chúng ta có nhiều loại bảo tàng nhưng không có bảo tàng thủ công mỹ nghệ. Đây sẽ là nơi hội tụ, bảo tồn và kết tinh tất cả tinh hoa, tài năng sáng tạo của ông cha chúng ta. Các sản phẩm độc đáo không những dành cho chúng ta ngày hôm nay mà còn để lại muôn đời sau”.
Sản phẩm làng nghề Tò he Phượng Dực - Ngọc Anh/VOV5
|
Thủ đô Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước và cũng là nơi có nhiều nghệ nhân tài hoa nhất cả nước. Khi Dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam”, nơi đây sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc trình diễn tay nghề, thi tay nghề giữa các nghệ nhân, thợ giỏi của các làng nghề trong cả nước. Qua đó, bảo tồn, phát triển làng nghề, khuyến khích cấy ghép nghề cho những làng chưa có nghề, bởi đội ngũ nghệ nhân đóng vai trò quan trọng trong làng nghề.
Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết: “Bất cứ một làng nghề nào muốn phát triển được bắt buộc phải có nghệ nhân. Máy móc không bao giờ thay thế được bàn tay con người. Nghệ nhân là linh hồn, bản sắc của làng nghề, là chỗ dựa tinh thần đồng thời là động lực để phát triển làng nghề. Nếu làng nghề không có nghệ nhân thì làng nghề như vô hồn, dễ bị mai một, có thể nay còn mai mất”.
Sản phẩm lụa của làng lụa Vạn Phúc - Ảnh: Lan Anh/VOV5
|
Sau dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” ở làng Bát Tràng, Hiệp hội làng nghề Việt Nam sẽ xây dựng những dự án tương tự tại một số làng nghề tiêu biểu của Hà Nội, trước mắt là tại làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông. Sau đó, Hiệp hội làng nghề Việt Nam tiếp tục nhân rộng các dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam của đất nước.