Tỉnh Hải Dương ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp bền vững

(VOV5) -Tỉnh Hải Dương hiện có 50 ha nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; trên 2.200 ha mô ruộng đất tích tụ với quy mô từ 5 ha trở lên sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao... 

Nghe âm thanh bài tại đây:

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh đã, đang mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương.

HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng hiện trồng hơn 60 ha thanh long, năng suất đạt 45 tấn/ha/năm; ngoài ra còn nhiều loại cây trồng khác như: hành tỏi, rau màu...

Tỉnh Hải Dương ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp bền vững - ảnh 1HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng, một trong những HTX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao tại thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Ảnh: VOV

Chỉ một thao tác đơn giản – bật hệ thống tưới phun sương, ông Nguyễn Văn Thuấn, Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh dịch vụ Nông sản sạch Bạch Đằng (xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), đã hoàn thành việc tưới nước cho hàng chục ha nho, thanh long. 

Trên mặt luống, ông Thuấn sử dụng hệ thống màng phủ, vừa giúp ngăn cỏ dại, vừa đảm bảo duy trì độ ẩm cho cây trồng. Nhờ áp dụng khoa học, công nghệ, năng suất, chất lượng cây trồng tăng lên, thu nhập của người dân ngày càng nâng cao. Năm vừa qua, HTX Nông sản sạch Bạch Đằng tiếp tục đầu tư trên 9.000 m2 nhà màng, nhà lưới để trồng nho, kết hợp mô hình du lịch nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thuấn cho biết: "Tiếp cận công nghệ cao, đầu tiên, tôi cũng rất bỡ ngỡ, nhưng đến bây giờ tôi thấy đúng là áp dụng vào nó thay thế con người được đến khoảng 60 -70%. Giảm sức lao động tăng thu nhập cho bà con, hướng này rất tốt. Trước mình làm đất thì dùng máy móc bình thường thôi, thế nhưng bây giờ đưa áp dụng công nghệ cao vào làm đất, cày xong cái đã lên luống gọn ghẽ rồi, giảm sức lao động các khâu làm đất đến 90%."

Gia đình anh Phùng Danh Viên, thành viên HTX Tân Minh Đức (xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc), có hơn 1 mẫu nhà màng nhà lưới, mỗi năm trồng 4 vụ dưa lưới theo mô hình sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp (VietGAP), Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGap). Dưa lưới của gia đình anh và các thành viên HTX Tân Minh Đức hiện đã có mặt ở nhiều siêu thị lớn trong cả nước.

Tỉnh Hải Dương ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp bền vững - ảnh 2Canh tác trong nhà màng nhà lưới không phụ thuộc vào thời tiết, hạn chế sâu bệnh và cho năng suất, chất lượng cao hơn. Ảnh: VOV

Theo anh Viên, đầu tư màng, nhà lưới cần nguồn ban đầu lớn nhưng chỉ 3 năm là thu hồi đủ vốn bỏ ra: "Một ha nhà lưới nhà màng thì lãi ròng cho người dân nếu giá cả ổn định thì được 1,2 -1,5 tỷ (45-65.000 USD)/năm. Thuận lợi là mình không phụ thuộc vào thời tiết, quản lý được sâu bệnh dễ hơn ngoài trời. Nếu làm nông nghiệp truyền thống phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, thị trường. Từ ngày làm nhà lưới này thì giá thành đảm bảo ổn định. Về dưa lưới, chăm tốt thì quả dưa đặc. Trung bình 1 gốc chính vụ đạt 1,4 -1,7kg/1quả. 1 mẫu 7.500 gốc."

Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ là hướng đi được tỉnh Hải Dương chú trọng và đẩy mạnh. Tại các huyện của Hải Dương đã hình thành nhiều mô hình tích tụ ruộng đất tập trung, ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế. Công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị máy bay không người lái được áp dụng tại nhiều vùng sản xuất; duy trì hoạt động của trạm khí tượng thông minh Imetos tại 2 huyện Thanh Hà và Thanh Miện để dự báo thời tiết vùng, cảnh báo sâu bệnh hại trên cây trồng.

Tỉnh hiện có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, như: Đề án: “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, hỗ trợ diện tích lúa cấy máy, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương, cho biết: "Ngoài việc hỗ trợ tổ chức sản xuất thì Hải Dương đang hỗ trợ rất mạnh cho hoạt động quảng bá, đặc biệt là xây dựng thương hiệu cho những cơ sở hoặc những HTX sản xuất nông nghiệp công nghiệp cao. Mấu chốt là vấn đề thị trường. Nếu chúng ta xây dựng thương hiệu tốt, giá bán cao, cộng với việc mở rộng sản xuất thì lúc ấy bà con nông dân cũng có lợi và hiệu quả sản xuất nông nghiệp cũng tăng lên. Tỉnh đang tập trung hỗ trợ cho tất cả các hướng, bao gồm cả việc xây dựng thương hiệu, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến cũng như hỗ trợ sản xuất."

Cùng với việc phát triển, nâng cao chất lượng các diện tích nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Hải Dương đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, xác định chuyển đổi số là động lực để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Địa phương cũng lên kế hoạch triển khai mô hình điểm về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác