(VOV5) - Những nghệ sĩ tham gia chương trình đều mang trong lòng nhiều xúc cảm khi được cất lên lời ca, tiếng hát tại Nhà hát lớn – nơi được coi là “thánh đường nghệ thuật” giữa lòng Thủ đô.
Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 17/8 vừa qua tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật kiều bào và văn nghệ sĩ hướng về Thủ đô nhân kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10. Với chủ đề “Thủ đô Hà Nội trong lòng người xa xứ”, những tiết mục ca nhạc, thời trang áo dài đã mang đến cho khán giả Thủ đô một không gian văn hóa lắng đọng, thể hiện tình cảm đặc biệt của cộng đồng kiều bào dành cho Hà Nội nói riêng và quê hương Việt Nam nói chung.
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
Trong đêm diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội, sân khấu được bài trí giản đơn mà ấm áp, gợi nhớ hình ảnh một Hà Nội thân thương, gần gũi với những người con xa xứ. Ca khúc Giọt nhớ Hà Nội là một sáng tác mới của nhạc sĩ Mạnh Chiến. Người thể hiện ca khúc này là ca sĩ Lê Hoàng – một ca sĩ quen thuộc trong cộng đồng người Việt tại CH Séc và Châu Âu.
Ca sĩ Lê Hoàng thể hiện ca khúc Giọt nhớ Hà Nội - Ảnh: Thế Dương
|
Lê Hoàng chia sẻ: "Về với quê hương là niềm hạnh phúc của những người con xa xứ. Lần này trở về trong chương trình Hà Nội trong lòng người xa xứ, tôi có những cảm xúc rất đặc biệt, rất cảm động với những cố gắng của BTC để làm nên chương trình ý nghĩa như vậy. Trong chương trình, tôi được thể hiện một ca khúc rất mới của nhạc sĩ Mạnh Chiến – ca khúc Giọt nhớ Hà Nội. Tôi đã gửi gắm tất cả những tình cảm của tôi với Hà Nội khi thể hiện ca khúc này".
Cũng như ca sĩ Lê Hoàng, những nghệ sĩ tham gia chương trình nghệ thuật “Thủ đô Hà Nội trong lòng người xa xứ” đều mang trong lòng nhiều xúc cảm khi được cất lên lời ca, tiếng hát tại Nhà hát lớn – nơi được coi là “thánh đường nghệ thuật” giữa lòng Thủ đô. Với ca sĩ Thu Hà, niềm xúc cảm ấy càng lớn lao khi chị được hát ca khúc của chính người ca mình sáng tác – Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc.
Ca sĩ Thu Hà và tác phẩm của người cha mình Nhớ mãi Hà Nội ơi
|
"Tôi rất hạnh phúc và mãn nguyện vì sau 32 năm, dù năm nào cũng về quê hương như lần này thì là cuộc trở về đầy ý nghĩa. Được hát bài hát về Hà Nội, trong chủ đề Hà Nội trong lòng người xa xứ - điều đó mang cho tôi niềm hạnh phúc lớn lao. Hơn nữa, đó lại là ca khúc cho cha tôi sáng tác, đúng vào dịp kỉ niệm 50 năm giải phóng Thủ đô" - chị Thu Hà tâm sự.
Với ca sĩ Lê Trọng Việt, giải nhất cuộc thi Tôi yêu tiếng nước tôi, những ca khúc về Hà Nội luôn mang lại cho anh nhiều cảm xúc, và với Em ơi Hà Nội phố, anh đã hát bằng trọn tình cảm của mình dành cho Thủ đô yêu dấu.
Ca sĩ Lê Trọng Việt và Em ơi Hà Nội phố
|
Ca sĩ Lê Trọng Việt: "Trong chương trình này, lần đầu tiên tôi hát bài Em ơi Hà Nội phố của nhạc sĩ Phú Quang. Đây là một ca khúc nổi tiếng và đã được nhiều ca sĩ thể hiện thành công, nhưng với tôi - một người con xa xứ, tôi cố gắng truyền tải tình cảm đối với Hà Nội – mootjt hành phố rất nên thơ và nỗi nhớ Hà Nội luôn là hành trang trong cuộc sống của những người đi xa như chúng tôi".
Điều đặc biệt, trong đêm nhạc, một ca khúc mới mẻ nhưng đã chiếm được cảm tình của khán giả qua sự thể hiện của ca sĩ Ngọc Lâm – ca khúc Hà Nội đông. Lần đầu tiên được biểu diễn trên sân khấu, Hà Nội đông là một sáng tác của anh Phạm Gia Hậu, người khởi xướng và là Trưởng Ban tổ chức chương trình nghệ thuật kiều bào và văn nghệ sĩ hướng về Thủ đô. Những câu từ sâu lắng, gợi nhớ, cùng với giai điệu nhẹ nhàng của ca khúc đã mang đến cho người nghe sự đồng cảm với tình yêu quê hương trong lòng các nghệ sĩ xa quê.
Ngọc Lâm trong ca khúc Hà Nội đông của tác giả Phạm Gia Hậu
|
Tác giả Phạm Gia Hậu chia sẻ: "Tôi viết bài thơ Hà Nội đông từ khi còn là sinh viên và học ở Hà Nội, sau đó năm 1998 tôi sang định cư tại CH Séc. Bài thơ nói về những kỉ niệm, khắc khoải, nhớ thương của tôi về Hà Nội, Tôi đã phổ nhạc bài thơ này và nhờ ca sĩ Ngọc Lâm thay tôi thể hiện trong chương trình nghệ thuật Văn nghệ sĩ kiều bào hướng về Thủ đô"...