“Lời ru - Khi đất nước tôi thanh bình": Dành tặng Mẹ những yêu thương

(VOV5) - Cả tuổi thanh xuân đẹp nhất của bố mẹ tôi là ở tù và đi chống Mỹ. Và đến tuổi 80, mẹ tôi vẫn tha thiết “Khi đất nước tôi thanh bình”.

“Mẹ - Lời ru khi đất nước tôi thanh bình” là tên của tuyển tập album thơ nhạc đặc biệt mà anh Nguyễn Hữu Thái Hòa – một “chuyên gia nhạc Trịnh” đã cùng với em gái mình - chị Tina Thiên Nga – một nghệ sỹ nhạc cụ dân tộc đã thực hiện để dành tặng người mẹ đã khuất. Tập CD màu tím, với hình ảnh chim hòa bình và dòng chữ “Mẹ” nổi bật, bao gồm 13 tác phẩm chất chứa biết bao tâm tư, tình cảm cũng như những kỉ niệm yêu thương...

“Lời ru - Khi đất nước tôi thanh bìnhAlbum "Mẹ - Lời ru - Khi đất nước tôi thanh bình" 

BTV Bảo Trang trò chuyện cùng anh Nguyễn Hữu Thái Hòa về những ca khúc được lựa chọn, cũng như những tâm sự anh gửi gắm trong món quà ý nghĩa này.

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

"Mẹ tôi là người đã đưa tôi vào dòng nhạc Trịnh. Nhiều người hỏi tôi rằng – anh biết nhạc Trịnh từ bao giờ? Tôi nói là tôi biết từ khi còn trong bụng mẹ. Mẹ tôi rất thân với Trịnh Công Sơn. Năm vừa rồi, mẹ tôi mất khi bà 86 tuổi – đó là sự mất mát quá lớn. Trong dịp 49 ngày của mẹ, chúng tôi đã làm album mà trong đó tôi hát, còn em gái tôi thì đàn. Chúng tôi đưa vào ca khúc đầu tiên là của Trịnh Công Sơn: “Như một hòn bi xanh”, do chính ông hát. Ca khúc “ca dao Mẹ” là ca khúc đinh. Chúng tôi gom vào đây những ca khúc viết về mẹ. Người Việt thường rất thương mẹ, nhưng rất ít khi chúng ta bày tỏ tình cảm đó. Tôi muốn nhắn với các bạn rằng, đừng tiếc một tin nhắn. Nếu ở xa thì cũng hãy viết cho mẹ mình rằng – Mẹ ơi, con rất thương mẹ!

Tôi và ca sĩ Hồng Hạnh là thế hệ sau của cô Khánh Ly. Vì tình yêu với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà chúng tôi đã đi một chặng đường rất dài. Phải nói thật rằng nhiều năm bí ý tưởng, không biết chọn chủ đề gì, không biết chọn bài nào mà gia tài âm nhạc của ông thì quá đồ sộ, và những người đi trước như giọng ca Khánh Ly đã phủ rất rộng rồi. Năm 2013, khi chúng tôi nhận lời một chương trình lớn tại Nhật Bản, và đưa âm nhạc Trịnh Công Sơn vào một Hội chợ mà 40 năm trước Khánh Ly cũng từng hát ở đó. Tập đoàn FPT cùng với chúng tôi tổ chức các chương trình sau Hội chợ để kết nối khách hàng. Khi nhận lời thực hiện chương trình đó, thực sự áp lực rất lớn!

Năm 2013 album “Diễm xưa” ra đời bằng tiếng Nhật và tiếng Việt, và chúng tôi đã mang album đó đến Nhật Bản để tham gia Hội chợ. Ca khúc “Ca dao Mẹ” sau đó đã nổi lên như một tượng đài về Mẹ trong lòng người Nhật Bản. Trước đó, người Nhật Bản chỉ biết Trịnh Công Sơn với Diễm xưa, và những bản tình ca. Ca khúc “Ca dao Mẹ” được Hồng Hạnh hát tiếng Nhật, Thái Hòa hát tiếng Việt và có những đoạn chồng khít lên nhau. Chúng tôi đã thử hát ca khúc này bằng nhiều ngôn ngữ khác như như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc... nhưng không hiểu sao về âm sắc thì tiếng Nhật lại phù hợp hơn cả. Album “Diễm xưa” hát bằng tiếng Nhật và tiếng Việt được phát hành cả ở 2 quốc gia – chúng tôi đã đi ra toàn cầu như thế. Chúng tôi đã nhân cách hóa bà mẹ lên thành quê hương đất nước.

“Lời ru - Khi đất nước tôi thanh bình

Tên của album “Mẹ - Lời ru khi đất nước tôi thanh bình” cũng chính là tên hồi ký của mẹ tôi, được hoàn thành năm bà 80 tuổi. Khi ấy, mẹ tôi đã yếu rồi. Tôi ngồi cạnh giường của Mẹ và hỏi: “Má muốn đặt tên cuốn hồi ký là gì?”. Bà đã chọn câu “Khi đất nước tôi thanh bình”. Nó như một lời nhắn gửi cua cả thế hệ bố mẹ chúng tôi và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã hi sinh cho hòa bình của đất nước. Thật ra, cả tuổi thanh xuân đẹp nhất của bố mẹ tôi là ở tù và đi chống Mỹ. Và đến tuổi 80, mẹ tôi vẫn tha thiết “Khi đất nước tôi thanh bình”.

Album là câu chuyện âm nhạc tưởng nhớ về mẹ, và những ca khúc cứ nối tiếp câu chuyện đó. Con gái tôi sinh ra tại Pháp, khi con 5 tuổi và không biết tiếng Việt nhưng con đã hát “Em là hoa hồng nhỏ” bằng giọng hát ngọng nghịu của mình. Cứ thế, dòng chảy âm nhạc đã chảy qua nhiều thế hệ như vậy!

Trong album có một ca khúc của một nhạc sĩ đồng trang lứa với tôi – người từng được mệnh danh “đệ nhất sáo thần” của Việt Nam – đó là nhạc sỹ Trần Khánh Tường. Anh đã có hàng trăm ca khúc rất được yêu thích, và tôi đã chọn đưa vào album một ca khúc của anh – bài hát “Lời ru”, bản ghi âm tôi hát cùng ca sĩ Thanh Thúy năm 1997. Đây cũng có thể coi là ca khúc tôi thích nhất trong album này, bởi tôi cảm nhận được tình cảm rất đẹp mà anh Trần Khánh Tường đã dành cho mẹ của mình, cũng như tình cảm của tôi dành cho người mẹ của tôi vậy".

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác