Nguyễn Đình Tuấn Dũng: “Dòng nhạc xưa mới chính là con người tôi“

(VOV5) - Càng hát, tôi càng nhận thấy nhạc xưa, nhạc trữ tình mới chính là con người của mình. Và cứ thế tôi tiếp tục hát, tiếp tục sống trong dòng nhạc này.

Với những người yêu dòng nhạc xưa ở Hà Nội, Nguyễn Đình Tuấn Dũng là một trong những giọng ca quen thuộc và được yêu mến bởi lối hát nam tính, mộc mạc, dễ lay động lòng người. Sau nhiều năm hoạt động nghệ thuật, Nguyễn Đình Tuấn Dũng đã đánh dấu chặng đường âm nhạc của mình bằng album đầu tay “Chợt như năm 18”, gồm 11 ca khúc của các nhạc sỹ  Văn Phụng, Ngô Thụy Miên, Quốc Dũng, Đức Huy, Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà và Trịnh Nam Sơn.

Thai nghén từ cách đây 3 năm, album Chợt như năm 18 được thực hiện tỉ mỉ và kỳ công với toàn bộ phần âm nhạc được thu trực tiếp. Những nét nhạc gần như trở thành kinh điển của những năm 1980, 1990 được tái hiện vô cùng sống động, để mỗi ca khúc như kể một câu chuyện về tình yêu, về một quãng đời đã qua, về "tuổi 18" của mỗi người.

Nguyễn Đình Tuấn Dũng: “Dòng nhạc xưa mới chính là con người tôi“ - ảnh 1

BTV Bảo Trang trò chuyện cùng Nguyễn Đình Tuấn Dũng về album mới của anh, cũng như con đường âm nhạc mà anh đang đam mê theo đuổi.

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

“Đây là lần đầu tiên mà tôi sản xuất CD vật lý, vì trước đó cũng đã có một số album nhạc riêng, phát hành dưới định dạng nhạc số. Lần này Dũng muốn hướng đến những người chơi audiophile – một cộng đồng thiểu số nhưng rất thông thái và khắt khe với âm nhạc mà nghệ sỹ đem đến. Album của tôi được thực hiện với phần âm nhạc chơi live toàn bộ, gần 30 con người góp sức đồng hành cùng tôi trong “Chợt như năm 18”.

“Lựa chọn dòng nhạc xưa, nhưng Tuấn Dũng muốn mang đến một không khí sôi nổi, đa màu sắc, giàu nhạc điệu, thể hiện đúng tinh thần của đời sống văn nghệ, đặc biệt là văn nghệ Sài Gòn những năm 80, 90. Đó là những tác phẩm gần như trở thành tiếng nói tâm tư của một thế hệ, lãng mạn nhưng không bi lụy, mà mang tinh thần yêu đời, yêu người, phóng khoáng, giàu năng lượng mà vô cùng chân thành.

Nguyễn Đình Tuấn Dũng: “Dòng nhạc xưa mới chính là con người tôi“ - ảnh 2

“Album này Tuấn Dũng đã biên tập trong 3 năm, với sự giúp sức của người anh – nhạc sỹ Nguyễn Tuấn, nổi danh trong cộng đồng indie của Việt Nam. Thật đáng tiếc vì anh không đi hết chặng đường cùng với Tuấn Dũng, và album này cũng như một lời tri ân của tôi dành cho anh, vì tôi đã chọn tất cả những ca khúc mà anh Nguyễn Tuấn đã biên tập cho tôi để đưa vào CD này.

“Nhạc sĩ Huyền Trung đã thực hiện hòa âm cho album của tôi. Đó là một nhạc sỹ tử tế và kỹ càng trong âm nhạc, nên trong quá trình làm việc với nhạc sĩ Huyền Trung, anh luôn tạo cho tôi sự tin tưởng rất lớn. Anh ấy đã đưa vào album những chất liệu âm nhạc đậm màu “cinematic”. Phần hòa âm mà giới chuyên môn đánh giá rất “Tây” được tạo nên bởi những câu piano solo, tiếng saxophone hay clarinet miết nhẹ vào kí ức, tạo nên những rung cảm rất khẽ.

Nguyễn Đình Tuấn Dũng: “Dòng nhạc xưa mới chính là con người tôi“ - ảnh 3Ca sĩ Nguyễn Đình Tuấn Dũng

Bên cạnh đó, nhạc sỹ Huyền Trung còn cho tôi thấy được những điều mà phải mất nhiều năm làm nghề thì tôi mới nhận ra và tích lũy được. Ví dụ như trong quá trình thực hiện CD, tôi luôn tư duy rằng mình có nên hát khác đi, hay có làm mới ca khúc đó không v.v. Nhưng nhạc sỹ Huyền Trung đã nói với tôi rằng bản thân âm thanh từ cổ họng mỗi người phát ra đều đã là một điều đặc biệt rồi, nên không cần thiết phải cố gắng làm khác đi. Cứ hát một cách chân phương, bình thản như đang kể chuyện vậy, đồng thời gắn với bản phối nữa - điều đó đã tạo nên cái riêng của mình rồi. Anh Huyền Trung rất khắt khe trong việc yêu cầu tôi phải hát sao cho hòa quyện với bản phối. Thậm chí có những lúc anh tỏ thái độ khi đã hướng dẫn mà tôi vẫn không làm được. “Thôi Dũng đi về đi, để khi khác đến chứ đừng đem tâm trạng lúc này đưa vào bài hát” – đã từng có những lúc anh nói tôi như vậy. Nếu nói đến áp lực thì không phải là không có, nhưng chính những áp lực đó đã mang lại cho tôi những kinh nghiệm ngay sau khi thực hiện.

“Trong album có 11 bài hát, nếu chỉ có 1 giọng ca nam “khều khào” thôi thì mọi người nghe sẽ bực mình lắm. Thế nên tôi muốn đưa vào những giọng ca mà tôi rất yêu mến. Đó là chị Bích Ngọc – một ca sỹ đầy kinh nghiệm, đã từng đi cùng tôi một thời gian dài khi phục vụ trong quân đội; Đó là Phương Phương Thảo – một giọng ca đang ở độ chín của sự nghiệp; Đó là cô em gái Tống Linh Linh còn rất trẻ, với tiếng hát trong trắng, và khi hát cùng với Linh thì tôi nghe lại, thấy mình cũng đang hát như thuở mười tám hát cho mối tình đầu... Mỗi người đều đem tới cho tôi những cảm xúc riêng khi song ca cùng ba giọng hát ấy.

"Nhạc trữ tình tôi đã được nghe từ bé, khi ông bà, bố mẹ mở ở nhà. Rồi sau này lớn lên đi học trường nhạc, rồi vào công tác trong môi trường quân đội thì không có nhiều cơ hội để hát. Đến gần đây, phòng trà Trịnh Ca đã "khai quật" tiếng hát của tôi qua những bài nhạc tình, nhạc xưa. Càng hát, tôi càng nhận thấy đó mới chính là con người của mình. Và cứ thế tôi tiếp tục hát, tiếp tục sống trong dòng nhạc trữ tình này".
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác