(VOV5) - "Các thầy cô đã hi sinh cả tuổi xuân để mang con chữ lên với trẻ vùng cao. Tôi cũng là giáo viên, và tôi rất đồng cảm và thương với các thầy cô, các em học sinh".
Nhạc sĩ Phan Huy Hà được biết đến với nhiều ca khúc về quê hương xứ Nghệ đằm thắm, trữ tình. Bên cạnh đó, người giảng viên âm nhạc Đại học Vinh ấy cũng vẫn đều đặn cho ra đời những sáng tác mới, trong đó có không ít tác phẩm ngợi ca thầy cô giáo - những người miệt mài gieo chữ cho biết bao thế hệ măng non. Trong chuyên mục này hôm nay, BTV Bảo Trang sẽ gửi tới quý vị chùm ca khúc của nhạc sĩ Phan Huy Hà, như một món quà nhỏ gửi lời tri ân với hành trình “cõng chữ lên non” đầy nhọc nhằn, ghi dấu ấn của biết bao thầy cô giáo miền xuôi ngược ngàn bám bản. Để rồi, hoa đã nở trên những vùng núi đá khô cằn.
Nhạc sĩ - thầy giáo Phan Huy Hà |
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
Bài hát "Ươm chữ trên non", âm nhạc Phan Huy Hà, lời Nguyễn Cảnh Bình, miêu tả hình ảnh người giáo viên lặng thầm trên những non cao, vùng sâu, vượt khó bám trường “ươm chữ” dệt nên những ước mơ tương lai ghi dấu trong sự nghiệp “trồng người”.
Nhạc sĩ Phan Huy Hà chia sẻ: "Quê hương tôi ở Nam Đàn nhưng tôi lại sinh ra và lớn lên ở quê mẹ nơi vùng cao Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Đây là một vùng sơn cước ở miền Tây xứ Nghệ. Tôi cũng từng là giáo viên dạy ở vùng cao, nên cũng hiểu được những khó khăn của thầy và trò, những thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Các em học sinh cũng rất hoàn cảnh, hàng ngày phải cùng bố mẹ lên nương, phải cừa học vừa trông em, đưa em đi học, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc... Nơi vùng cao xứ Nghệ thời tiết rất khắc nghiệt, mùa đông rất lạnh và mùa hè rất nóng. Đặc biệt, có những thầy cô phải bám trường, bám bản, ở những điểm trường lẻ, rất vất vả. Các thầy cô đã hi sinh cả tuổi xuân để mang con chữ lên với trẻ vùng cao. Tôi cũng là giáo viên, và tôi rất đồng cảm và thương với các thầy cô, các em học sinh".
"Rất tình cờ, trong một lần ngồi cùng nhà thơ Hoàng Nghĩa Tự, hai anh em đã bàn bạc để viết nên một tác phẩm “Em là cô giáo vùng cao” để tri ân tất cả những giáo viên nói chung và những người làm về giáo dục ở những vùng miền núi, vùng khó khăn, vất vả. “Em là cô giáo vùng cao” mang âm hưởng dân gian miền núi, chất chứa chất dân gian của đồng bào Mông. Ca khúc được viết ở nhịp 2/4 và điệu thức thứ. Qua tác phẩm này, tôi muốn gửi tới tất cả mọi người một điều rằng, dù khó khăn đến đâu thì cũng luôn nhìn về phía trước, không ngại gian nan. Bằng tình yêu nghề, tình yêu cuộc sống, bằng đam mê, hãy luôn hi sinh cho chính nghĩa, cho ngày mai. Điều đó đã được toát lên trong những ca từ và giai điệu âm nhạc của tác phẩm “Em là cô giáo vùng cao”. Hãy vì một ngày mai tươi sáng!".
"Bản làng yêu ơi em rời phố thị/Vượt núi băng rừng cõng cái chữ lên non/Dẫu nắng mưa hay mùa đông giá lạnh/Cùng các em thơ vượt núi đến trường...". Có đi, có gặp mới thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của người giáo viên vùng cao. Các thầy, cô giáo không chỉ là sứ giả mang tri thức đến cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn mà họ còn là người cha, người mẹ thứ hai cùng đồng hành, trưởng thành với các em trong cuộc sống thường ngày.
Thấu hiểu và đồng cảm với những khó khăn, vất vả ấy, nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã sáng tác bài thơ “Cõng chữ về bản”, để rồi sau đó với âm nhạc của Phan Huy Hà, ca khúc đã vượt qua hàng trăm tác phẩm dự thi khác để giành giải B Giải thưởng âm nhạc Việt Nam năm 2023.
Nhạc sĩ Phan Huy Hà cho biết: "Ca khúc “Cõng chữ về bản” cũng mang âm hưởng dân gian miền núi, tôi đã phổ thơ của tác giả Nguyễn Đăng Độ, người cũng đã từng sống và làm việc ở vùng núi, Tây Nguyên. Anh thấy được sự vất vả, khó khăn của các thầy cô, của các em học sinh. Khi tôi bắt gặp bài thơ của anh Nguyễn Đăng Độ, tôi đã muốn chắp cánh cho ca từ bằng những giai điệu âm nhạc. Và cứ đến dịp khai trường 5/9 hay 20/11 là tôi lại rưng rưng và tự hào vì mình đã viết được những tác phẩm để tri ân những người làm nghề trồng người nói chung, và những người trồng người, ươm chữ ở vùng cao nói riêng. Tôi rất hạnh phúc và tự hào khi mình có những tác phẩm để gửi đến tri ân những người làm nghề trồng người".