(VOV5) - Sau nhiều năm, người ta mới cảm nhận rõ hơn những bất lợi từ xu hướng cắt giảm trên, nhất là trong chống biến đổi khí hậu.
Theo một nghiên cứu mới từ Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER), việc hạn chế phát triển điện hạt nhân sau thảm họa Chernobyl năm 1986 đã gián tiếp gây ra nhiều tổn thất về sinh mạng do ô nhiễm không khí từ các nhà máy nhiên liệu hóa thạch. Sau nhiều năm, người ta mới cảm nhận rõ hơn những bất lợi từ xu hướng cắt giảm trên, nhất là trong chống biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu cho thấy sau sự cố Chernobyl, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới gần như đình trệ. Một số nước thậm chí còn đưa ra chương trình loại bỏ điện hạt nhân khỏi hệ thống điện quốc gia. Trên quy mô toàn cầu, từ sau thảm họa Chernobyl đến nay, thế giới đã giảm mất 389 lò phản ứng hạt nhân. Trong khi đó, nếu xu hướng phát triển trước đó được duy trì, riêng Mỹ có thể đã xây dựng thêm 170 lò phản ứng.
Những ước tính thiệt hại do sử dụng nhiên liệu hóa thạch
Các nhà kinh tế ước tính, mỗi nhà máy điện hạt nhân được xây dựng có thể cứu được hơn 800.000 năm tuổi thọ nhờ giảm ô nhiễm không khí. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Đánh giá số liệu y tế của Mỹ, ô nhiễm không khí gây ra 4,2-4,5 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu khẳng định nếu xu hướng phát triển điện hạt nhân không bị gián đoạn sau Chernobyl, mức độ ô nhiễm không khí có thể đã thấp hơn đáng kể, mang lại những lợi ích sức khỏe quan trọng cho cộng đồng.
Một nhà máy điện hạt nhân của Georgia Power ở Mỹ. Ảnh: Enegy.gov |
Liên hợp quốc nhận định sự gia tăng nhiệt độ không khí vào nửa cuối thế kỷ 20 là bởi sự gia tăng của lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính do việc mở rộng của các hoạt động sản xuất và sự phát triển của các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch nên cần giảm nhanh và tiến tới từ bỏ. Trong khi đó, Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP28 (năm 2023) đã chính thức công nhận điện hạt nhân là một nguồn năng lượng sạch không phát thải khí nhà kính.
Theo số liệu cập nhật của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), tính đến tháng 8 năm nay, có 34 quốc gia và vùng lãnh thổ đang sử dụng, xây dựng nhà máy điện hạt nhân với tổng số 415 lò phản ứng điện hạt nhân đang vận hành, tổng công suất lắp đặt là 373.735 MW. Trong đó, Mỹ đứng đầu trên thế giới, với 94 lò phản ứng điện hạt nhân, Tiếp theo là Pháp, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Canada và Ukraine.
Thời của điện hạt nhân đang quay trở lại
Hiện nay, thế giới đang hướng đến các giải pháp năng lượng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, nhiều quốc gia đang quay trở lại phát triển điện hạt nhân và tăng cường đầu tư vào sản xuất điện từ năng lượng hạt nhân, sau nhiều năm giảm đầu tư, bởi đây vẫn được coi là nguồn năng lượng sạch và có tính ổn định.
Lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua, công suất phát điện hạt nhân của thế giới đạt mức cao kỷ lục trong năm nay với khoảng 416 triệu kW. Hiện nay, điện hạt nhân hiện chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện của thế giới. Tại COP28, 22 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu, đã đặt mục tiêu tăng công suất nhà máy điện hạt nhân lên khoảng 1,2 tỷ kW vào năm 2050, cao gần gấp 3 lần mức hiện nay.
Mới đây, chính quyền Mỹ đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm phục hồi và mở rộng năng lượng hạt nhân, coi đây là chìa khóa để bổ sung thêm năng lượng không phát thải carbon vào lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế từ AI đến sản xuất và chăm sóc sức khỏe. Vài tháng qua, nhiều nhà máy điện hạt nhân đã hồi sinh ở Mỹ. Thay vì năng lượng gió và mặt trời như trước, giờ đây các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ như Amazon, Google và Microsolf coi hạt nhân là nguồn điện ổn định, không phát thải để vận hành các trung tâm dữ liệu và các hệ thống AI tiêu hao năng lượng lớn. Microsolf đã thỏa thuận khôi phục nhà máy điện hạt nhân tại bang Pensylvania, trong khi Amazon, Google đang tập trung vào các công nghệ lò phản ứng mô đun nhỏ (SMR).
Ở Nga, trong đề án tổng thể về quy hoạch phát triển hệ thống năng lượng đất nước, Nga đặt ra mục tiêu đến năm 2042 sẽ có thêm 11 nhà máy điện hạt nhân lớn và nhỏ. Tại Nhật Bản, tỷ lệ sản xuất điện hạt nhân của nước này năm tài khóa 2023 đã tăng lên 8,5%, cao hơn 2,9 điểm % so với một năm trước đó. Lý do là bởi Nhật Bản đã cho khởi động lại nhà máy điện hạt nhân Takahama ở tỉnh Fukui và gần đây nhất là cuối tháng 10 vừa qua đã tái khởi động lò phản ứng số 2 của nhà máy điện hạt nhân Onagawa tại tỉnh Miyagi.
Các chuyên gia khẳng định xu hướng điện hạt nhân đang trở lại và nhiều quốc gia đang nỗ lực chạy nước rút để đạt mục tiêu giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030.