Đảm bảo năng lượng để phục vụ mục tiêu phát triển đất nước

(VOV5) - Năng lượng là yếu tố then chốt, có tính quyết định tạo khả năng phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Năm 2024, các thành phần kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Đóng góp vào thành công đó là vai trò quan trọng của ngành năng lượng quốc gia. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 như Chính phủ đề ra, một trong những nhiệm vụ hàng đầu đặt ra là Việt Nam phải tiếp tục đảm bảo an ninh năng lượng.

Năng lượng là yếu tố then chốt, có tính quyết định tạo khả năng phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bảo đảm an ninh năng lượng luôn là ưu tiên trong chiến lược phát triển của các quốc gia. 

Nhu cầu năng lượng của nền kinh tế

Thông tin từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy nhu cầu điện năng của Việt Nam tăng trưởng trung bình gần 10% mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020 và dự báo sẽ tăng gấp ba lần trong vòng 10 năm tới.

Đảm bảo năng lượng để phục vụ mục tiêu phát triển đất nước - ảnh 1Ảnh minh hoạ. Nguồn: congthuong.vn

Theo tính toán, cứ tăng trưởng kinh tế 1%, thì nhu cầu điện tăng 1,5%. Năm 2024, Việt Nam đã không thiếu điện dù mức tiêu thụ tăng khoảng 11-13% so với năm 2023. Việc đảm bảo đủ điện năng đã góp phần rất quan trọng để thu hút đầu tư FDI trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm. Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn FDI của Việt Nam cao nhất trong nhiều năm. Và tăng trưởng GDP đạt trên 7% .  Với mục tiêu tăng trưởng của những năm sắp tới, nhu cầu điện cũng sẽ tăng ít nhất khoảng 10% để đảm bảo sản xuất, phục vụ đời sống người dân và giữ uy tín đối với các nhà đầu tư.

Chuẩn bị sẵn sàng để đảm bảo đủ điện

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng.  Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ giúp đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.

Triển khai dự án điện hạt nhân này còn là cơ hội để Việt Nam phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu, có thể học hỏi và làm chủ công nghệ hạt nhân của thế giới sau này.

Phát biểu khi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận ngày 5/12, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Đảng và Nhà nước sẽ đảm bảo lựa chọn những công nghệ hạt nhân tốt nhất, chọn những đối tác tư vấn tốt nhất, đào tạo nhân lực quản lý tốt nhất để đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả dự án năng lượng này của quốc gia, không chỉ vì thế hệ hiện tại mà còn cho thế hệ con cháu mai sau."

Để bảo đảm cung ứng đủ điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhất là khi đất nước đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phải có chuẩn bị từ sớm, từ xa. Theo tính toán, Năm 2025, với nhu cầu điện tăng khoảng 12-13%, cần phải tăng thêm từ khoảng 2.200- 2.500 MW công suất. Với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các giải pháp từ sớm, từ xa, việc cung ứng điện năm 2025 cơ bản được đáp ứng.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng các Dự án đường dây 500 kv mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), ngày 8/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Tăng trưởng 2 con số thì tăng trưởng điện phải gấp 1,5 lần và tinh thần chúng ta phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta phải có đột phá. Thứ hai là phải ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo điện, toán đám mây Internet vạn vật vào phát triển ngành điện. Thứ ba là tiếp tục bản lĩnh kiên cường, hình ảnh đẹp của người thợ điện trong lòng nhân dân, doanh nghiệp. Tôi rất mong thành tích năm 2025 cao hơn năm 2024 và tiếp tục không để thiếu điện.

Ngay trong năm 2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, như  nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, đường dây 500 kV Lào Cai – Vĩnh Yên…

Trong giai đoạn 2026-2030, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các Tập đoàn, Tổng công ty căn cứ ước tính nhu cầu điện tăng khoảng 12-14% mỗi năm để xây dựng, triển khai các kịch bản về nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và giá điện phù hợp, với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Trong đó, Thủ tướng lưu ý một số nội dung cụ thể liên quan việc đa dạng hóa các nguồn điện, bảo đảm các nguồn điện nền, chuyển dần từ điện than sang sản xuất điện sạch, thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Cùng với đó, hình thành và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, tích cực phát triển hệ thống tích điện, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, khắc phục, xử lý các vấn đề liên quan các dự án điện tái tạo đang gặp vướng mắc.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam cùng với biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao đòi hỏi một cơ cấu năng lượng mới, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Đảm bảo đủ năng lượng sẽ giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu phát triển đất nước.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác