Tình cảm của thính giả đối với Đài Tiếng nói Việt Nam

(VOV5) - Thính giả mong muốn đồng hành với các chương trình của Đài TNVN.

Tuần qua, gửi thư về chương trình, thính giả bày tỏ tình cảm với Đài TNVN, chúc mừng các phóng viên, biên tập viên và cán bộ của Đài TNVN nhân dịp năm mới 2025.

Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn

Chúng ta đã bước sang năm 2025. Những người làm chương trình xin chúc quý thính giả một năm mới hạnh phúc, tràn ngập niềm vui. Chúng tôi mong muốn quý thính giả luôn đồng hành, có nhiều ý kiến đóng góp để các chương trình ngày càng hay hơn, hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu của thính giả.

Tuần qua, chúng tôi liên tục nhận được thư, thiệp chúc mừng Giáng sinh 2024 và năm mới 2025. Các thính giả cũng bày tỏ những tình cảm cũng như sự thú vị khi được đồng hành cùng các chương trình. Thính giả Phạm Hồng Kiệt ở Chiết Giang, Trung Quốc viết: "Gần 40 năm nghe Đài, tình cảm của tôi dành cho Đài TNVN ngày một lớn và niềm đam mê của tôi với phát thanh chưa bao giờ thay đổi. Khi nghe đài, tôi cảm thấy mình không chỉ là người nghe mà còn là sứ giả văn hóa, sứ giả tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam, là nhân chứng và người thực hành tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước".

Từ Argentina, thính giả Gerardo Groh chia sẻ: “Tôi đã không nghe đài từ nhiều năm nay. Đó là điều khiến tôi luôn hoài niệm mỗi khi nhớ lại khoảng thời gian nghe, học hỏi và biết được những thông tin thú vị thông qua phương tiện này. Gia đình, công việc và cuộc sống nói chung khiến tôi không có thời gian để nghe đài, nhưng tôi hy vọng một ngày nào đó có thể quay với sở thích này”.

Rất nhiều thính giả là kiều bào cũng rất gần gũi, gắn bó với Đài TNVN, thường xuyên chia sẻ thông tin cũng như hợp tác trong các chương trình. Hãy nghe cảm nhận của ông Nguyễn Hải Nam, kiều bào tại Pháp: Đài Tiếng nói Việt Nam là một kênh truyền thông chính thống của nhà nước Viêt Nam. Chúng tôi quan hệ và thường xuyên chia sẻ thông tin. Báo đài khác cũng có nhưng ở đây, thường xuyên hơn. Chúng tôi tiếp tục giữ quan hệ, chia sẻ thông tin và đóng góp nhiều ý kiến cho VOV.

Qua chương trình Phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc, kiều bào cũng mong muốn được đóng góp ý kiến của mình cũng như nói lên mong muốn của cộng đồng người việt xa quê. Bà Phạm Mỹ Dung, kiều bào tại Đài Loan (Trung Quốc) cho biết: "Để cho kiều bào  nói lên nỗi  niềm của mình đến với Chính phủ một cách trực tiếp nhất. Và có thể trải lòng mình đến với các cấp lãnh đạo, nghe được tiếng lòng của kiều bào và quan tâm hơn đến mong muốn của kiều bào. Mong rằng, tất cả ý kiến đóng góp đó đều là những ý kiến đóng góp xây dựng".

Nhiều vấn đề đã được các thính giả kiều bào trao đổi, chia sẻ, và muc tiêu cuối cùng là vì sự phát triển của quê hương. Bà Tạ Thùy Liên, kiều bào tại Singapore cho biết:

Ban liên lạc cộng đồng người Việt ở Singapore cũng làm việc, phối  hợp, cộng tác với Đài TNVN, đăc biệt là Ban Đối ngoại, VOV5 qua khá là nhiều chương trình. Cả chương trình trong nước cũng như chương trình của cộng đồng người Việt tại đây. VOV5 là nơi mà kiều bào ở Singapore nói riêng, kiều bào ở khắp nơi thấy chân thành và gần gũi. Có thể chia sẻ tâm tư, nguyện vọng mà mong muốn, cùng chung tay đóng góp về quê hương đất nước, cùng chung tay phát triển.

Quý thính giả thân mến, tiếp tục là những lá thư, yêu cầu của thính giả mong muốn được tìm hiểu về nhiều lĩnh vực đời sống xã hội của Việt Nam. Thính giả Davan, người Lào, gửi tin nhắn đến chương trình muốn tìm hiểu về lịch nghỉ Tết Nguyên đán năm 2025 của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đồng ý để cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước nghỉ 9 ngày liên tục, gồm 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán và 4 ngày nghỉ hằng tuần từ ngày 25.1 - 2.2.2025 (tức 26 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng).

Thính giả Harada Ryosuke, ở Nhật Bản về mùa đông và đặc sản mùa đông tại Việt Nam.

Nhờ vị trí địa lý đặc biệt, khí hậu Việt Nam có sự phân hóa rõ rệt theo từng vùng miền. Nếu miền Bắc và miền Trung có đủ 4 mùa, thì miền Nam lại chỉ có hai mùa: mùa khô và mùa mưa. Mùa đông Việt Nam thường lấy theo cột mốc phía Bắc, diễn ra từ tháng 12 và kéo dài đến hết tháng 3. Lúc này, nhiệt độ thời tiết xuống thấp kèm theo những cơn gió rét. Một số vùng cao như miền núi còn có thể xuất hiện băng tuyết. Tuy nhiên, từ tháng 10 đã bắt đầu các đợt không khí lạnh và gió mùa sẽ thổi mạnh hơn vào tháng 11, báo hiệu mùa đông về.

Về đặc sản mùa đông, có rất nhiều món ăn thú vị dân dã từ ngô, khoai, sắn nướng…đến các loại bánh rán nóng ròn như bánh rán, bánh chuối, bánh ngô, bánh khoai. Hay các đặc sản như mỳ, phở, bún miến… Bánh trôi tàu nếu bỏ qua trong danh sách những món ăn Hà Nội ngày se lạnh thì rất thiếu sót, bởi đây là món ăn thích hợp nhất vào trời lạnh, hấp dẫn bởi sự nóng hổi, thơm mùi gừng và mè đen.  Bánh trôi tàu ngon là vỏ bánh phải mềm mướt, dẻo dai. Viên trôi tàu có 2 loại là nhân đậu xanh và vừng đen kèm dừa. Sự hoà quyện giữa nước đường hoa mai đỏ au, ngọt lịm, gừng đạp già và ít lạc rang vỡ đã tạo nên một đặc trưng không thể nào quên của món bánh trôi tàu này.

Thính giả Dieter Leupold, ở Đức hỏi xuất khẩu cà phê và gạo của Việt Nam?

Cà phê trở thành mặt hàng nông sản thứ ba sau rau quả và gạo, và là sản phẩm nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Xuất khẩu cà phê tháng 11/2024 đạt khoảng 52 nghìn tấn, giảm 35% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên do giá xuất khẩu tăng cao, nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng. Tính chung 11 tháng năm nay, xuất khẩu cà phê đạt 1,25 triệu tấn, kim ngạch đạt kỷ lục 4,92 tỷ USD, giảm 8% về khối lượng, nhưng tăng 40,5% giá trị so với cùng kỳ năm trước…

Về gạo, Việt Nam là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.  Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 đã lập mốc kỷ lục mới cả về khối lượng và kim ngạch, với khoảng 9 triệu tấn, đem về 5,7 tỷ USD.

Thính giả Jacque Augustin, người Pháp, hỏi những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam?

Singapore vẫn dẫn đầu về số vốn đầu tư, với gần 6,52 tỷ USD, chiếm gần 36,2% tổng vốn đầu tư, tăng 79,1% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, Trung Quốc lại là đối tác có số dự án đầu tư mới nhiều nhất trong 91 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tiếp sau đó là Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Riêng 5 đối tác này đã chiếm hơn 73% số dự án đầu tư mới và gần 77% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác