Trả lời về những phong tuc Tết của người Việt; các chính sách kích cầu du lịch

(VOV5) - Các thính giả đều khẳng định, những tin tức của Đài TNVN thực sự hiệu quả, được dư luận quan tâm và góp phần củng cố quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các
nước.

Tuần qua, gửi thư về chương trình, các thính giả bày tỏ sự thú vị khi nghe các chương trình của Đài TNVN, của Ban đối ngoại. Thính giả cũng mong muốn được tìm hiểu về các phong tục Tết, các chính sách kích cầu du lịch trong thời gian tới. 

Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,

Thư của các thính giả gửi về tuần qua đều dành tình cảm với Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiều thính giả gửi lời chúc các chương trình của Đài TNVN ngày càng hay hơn, chúc các biên tập viên, phát thanh viên gia đình hạnh phúc, sức khỏe dồi dào!”Các thính giả đều khẳng định, những tin tức của Đài TNVN thực sự hiệu quả, được dư luận quan tâm và góp phần củng cố quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước.

Thính giả Saleem Akhtar Chadhar, Pakistan thành viên của Câu lạc bộ bạn nghe đài viết:Tôi hy vọng các thành viên câu lạc bộ, du khách và các bạn sinh viên sẽ yêu thích và quan tâm đến VOV”. Thính giả José Ignacio Cos Lezama ở Bilbao, Tây Ban Nha, chia sẻ:“Tôi quan tâm đến tin tức đăng phát biểu của Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”. Thính giả Lê Chương Chính, ở Quảng Tây, Trung Quốc gửi email chia sẻ: Mục đích tôi nghe đài TNVN là để tăng thêm kiến thức và mở rộng tầm nhìn. Tôi rất quan tâm đến phong tục, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên của Việt Nam.  Thính giả Hans Joachim Pellin, ở Lübz, Đức, khen chương trình thú vị. Các thính giả cũng gửi nhiều bình luận, yêu cầu tìm hiểu về nhiều lĩnh vực đời sống xã hội của Việt Nam sau khhi theo dõi các bài viết đăng trên chuyên mục của trang web như ca nhạc, khám phá, đời sống xã hội, kiều bào…

Từ tỉnh Saitama, Nhật Bản, thính giả Mtssumoto Takuya hỏi tình hình kích cầu du lịch của Việt Nam đang diễn ra như thế nào?

Nhiều địa phương  tích cực đưa ra các săn phẩm du lịch mới thu hút khách du lịch tới địa phương thăm quan, tìm hiểu và trải nghiệm. Hà Nội tiếp tục xây dựng mô hình thí điểm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; TP Hồ Chí Minh tập trung triển khai các hoạt động, sự kiện du lịch và đề án phát triển du lịch thông minh trên địa bàn. Các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đang tích cực chuyển đổi xanh trong lĩnh vực du lịch với nhiều mô hình du lịch xanh. Các địa phương lên kế hoạch đón mùa cao điểm khách quốc tế (từ tháng Mười đến tháng Tư năm 2025). Trong đó, những địa phương có lợi thế du lịch biển như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa... mở thêm hướng phát triển du lịch tàu biển. Những tỉnh miền núi như Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng... tiếp tục tận dụng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, đẩy mạnh sản phẩm du lịch về hoa; tour du lịch biên giới... Cục Du lịch Quốc gia thông báo rộng rãi tới các địa phương cũng như các doanh nghiệp cùng tham gia phối hợp đồng hành trong các hoạt động, chương trình quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam tại các hội chợ quốc tế, roadshow ở trong nước và nước ngoài… Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch; công dân Việt Nam, người nước ngoài ở Việt Nam đi du lịch trong nước và nước ngoài.

Về câu hỏi Việt Nam có chính sách cụ thể gì để khuyến khích người dân du lịch, chương trình xin thông tin:

Sở Du lịch đã phối hợp các cơ quan trên địa bàn tuyên truyền về "Người Việt Nam ưu tiên du lịch Việt Nam", góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng. Không chỉ tuyên truyền trong người dân, Sở Du lịch còn tuyên truyền chủ trương ưu tiên dùng hàng Việt Nam đến các cơ sở lưu trú, công ty lữ hành... về việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Do đó, các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng... trên địa bàn đều dành các không gian để giới thiệu sản phẩm, quà tặng du lịch của Việt Nam. Các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng thường trang trí các sản phẩm Việt Nam ở những nơi có đông người qua lại.

Thính giả Ngô Thừa Hiến ở Quảng Đông, Trung Quốc, hỏi sự khác biệt giữa Tết Nguyên đán của Việt Nam và Tết Nguyên đán của Trung Quốc là gì?

Điểm khác nhau đầu tiên là tên gọi. Tết của người Việt Nam được gọi là Tết Nguyên đán, trong khi tên gọi Tết Trung Quốc là Xuân Tiết. Người Việt Nam thường đón Tết từ lễ cúng tiễn Táo quân ngày 23 tháng Chạp đến mùng 7 tháng Giêng. Còn người Trung Quốc kéo dài từ ngày 8 tháng Chạp đến ngày 15 tháng Giêng.

Về phong tục, ở Việt Nam, người dân rộn ràng đón Tết Nguyên đán với nhiều hoạt động dựa trên những tín ngưỡng lâu đời, nhằm cầu mong hạnh phúc, bình an và may mắn. Các phong tục có thể kể đến như: tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời vào 23 tháng Chạp, gói bánh chưng, bánh tét, chuẩn bị mâm ngũ quả, trồng cây nêu, xông đất, chúc Tết, hóa vàng, du xuân...Tại Trung Quốc, các gia đình thường dán thần giữ cửa, câu đối đỏ và đèn lồng đỏ để cầu mong an lành. Các hoạt động trong Tết khác có thể kể đến như đốt pháo, múa lân, thả hoa đăng...Tết Nguyên đán ở Việt Nam có những món ăn mang nhiều ý nghĩa về nhân sinh, cuộc sống. Nổi bật là các món ăn đặc trưng như: bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, thịt đông, nem rán, giò thủ, dưa hành, canh khổ qua...Còn với đất nước Trung Quốc, bữa ăn đêm giao thừa không thể thiếu mì trường thọ (mong cầu sức khỏe, sống lâu), cá hấp (tượng trưng cho sự dư dả) hay sủi cảo (ngụ ý thịnh vượng)... Đa dạng các loại bánh cũng là nét đặc trưng riêng, với bánh tổ, bánh bao, bánh khoai môn, bánh củ cải... cùng các món truyền thống khác như vịt quay Bắc Kinh, gà Cung Bảo, trà trứng, lợn xào chua ngọt…

Thính giả Keo Rithy, người Lào, muốn được nghe giới thiệu về các món ăn ngày Tết của người Việt.

Tùy vào từng vùng miền, người Việt thường nấu các món ăn khác nhau trong ngày Tết, nhưng những món ăn phổ biến gồm bánh chưng, bánh tét, xôi gấc, canh bóng, thịt kho trứng, thịt đông, hành muối ( kiệu muối), nem rán.

Thính giả Khamphoi, ở Campuchia, muốn tìm hiểu về cách nấu bánh chưng của Việt Nam.

Trước khi làm bánh chưng, cần tiến hành ngâm nếp trước, ít nhất phải ngâm được 4 tiếng. Tốt nhất bạn nên ngâm nếp qua đêm, hoặc chí ít cũng phải được 4 tiếng. Đậu xanh không vỏ cũng nên ngâm trong 4 tiếng hoặc để qua đêm. Sau khi đã ngâm nếp xong, bạn đổ nếp ra rổ và để cho ráo nước. Rắc 1 đến 2 muỗng muối vào và dùng tay trộn đều nếp. Đậu xanh cũng tiến hành tương tự, bạn đổ đậu ra cho ráo nước rồi trộn với muối và tiêu. Tiếp đến, bạn ướp thịt với muối, tiêu và đường. Cuối cùng, bạn gói bánh và dùng dây buộc lại. Đặt bánh vào nồi lớn và đổ nước ngập bánh. Thời gian để luộc một chiếc bánh cỡ nhỏ là khoảng 5 tiếng, với chiếc bánh lớn thì sẽ cần nhiều thời gian hơn. Khi luộc bánh được nửa thời gian thì trở bánh lại, thay nước mới. Sau khi bánh chín thì vớt ra rồi cho ngay vào nồi nước lạnh ngâm trong 20 phút. Sau đó để bánh ráo nước rồi dùng vật hơi nặng đè lên bánh để ép nước ra, giúp bánh chưng không bị nhão và bảo quản được lâu hơn. Ép trong vòng 5 - 8 tiếng là được.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác