Thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều tiềm năng

(VOV5) - Bản thân các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại đang có sự cạnh tranh với nhau rất nhiều để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân đến mua sắm tại các kênh hiện đại.

Với quy mô 100 triệu dân, mức sống người dân ngày càng tăng, thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp khai thác.
Tính chung 5 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với các giải pháp của bộ, ngành như tập trung triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua thương mại điện tử, các doanh nghiệp bán lẻ đang đẩy mạnh khuyến mại, kích cầu tiêu dùng với kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho ngành bán lẻ các tháng tiếp theo. Ông Nguyễn Anh Đức – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM Saigon Co.op trả lời phỏng vấn VOV:

 Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 

 PV:  Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thị trường bán lẻ trong nửa đầu năm nay?

Ông Nguyễn Anh Đức:  Trong những tháng đầu năm, thị trường bán lẻ cũng bị ảnh hưởng từ những biến cố trên thị trường, chính vì vậy, tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ thì có thể phân tích trên 2 khía cạnh, tổng thể chung thì vẫn có tăng trưởng đối với thị trường bán lẻ, tuy nhiên, tăng trưởng này thiên hướng về thị trường bán lẻ truyền thống hơn là những thị trường bán lẻ hiện đại.

Thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều tiềm năng - ảnh 1Ông Nguyễn Anh Đức- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam. Ảnh Bá Toàn

Điều này khẳng định lại nhu cầu của người dân đang có những chuyển biến, từ việc là người dân có thói quen mua sắm hiện đại thì bây giờ qua những khó khăn kinh tế của những năm vừa qua, cũng như những biến động thì người dân lại bắt đầu chuyển hướng mua sắm qua thị trường truyền thống để có tiết kiệm hơn. Thứ hai, bản thân cơ cấu tiêu dùng của người dân cũng có những khác biệt ảnh hưởng đến cấu trúc hàng hóa được cung ứng ra thị trường bán lẻ hiện đại trong nước. Biến động này là từ việc người tiêu dùng chuyển rất nhiều từ những sản phẩm mang tính chất là đáp ứng nhu cầu khác biệt, khác lạ hơn thì bây giờ đáp ứng nhu cầu mang tính chất rất thiết thực trong sống hằng ngày.

PV: Như ông vừa chia sẻ, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm trong bối cảnh mới, vậy các nhà bán lẻ có gặp những khó khăn gì để có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng?

Ông Nguyễn Anh Đức: Trước đây thì kênh bán lại hiện đại chiếm tỷ trọng ở thị trường Việt Nam khoảng 24% trong thời điểm trước dịch so với tổng nhu cầu thương mại của cả nước nhưng mà đến thời điểm sau dịch, kể cả đối với 5 tháng đầu năm 2023 thì tỷ trọng này đang có mức sụt giảm xuống dưới 20%. Chính vì vậy nên các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại thì có khó khăn là bản thân sự cạnh tranh cao hơn, việc mà để tăng doanh số, tăng lợi nhuận có được từ hoạt động kinh doanh thì cũng đang gặp phải những khó khăn rất lớn. Bản thân các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại đang có sự cạnh tranh với nhau rất nhiều để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân đến mua sắm tại các kênh hiện đại.

Thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều tiềm năng - ảnh 2Lễ hội trái cây được tổ chức tại Co.opmart, Co.opXtra trên toàn quốc

Xu hướng thứ hai cũng cảm thấy là một sự khó khăn, đó là sự chuyển dịch của thương mại hiện đại qua một tầm cao mới hơn, đó là thương mại điện tử, bán hàng không thông qua các cửa hàng vật lý, cũng là một xu hướng phát triển. Trên thực tế, sự đồng bộ phát triển của những lĩnh vực khác cũng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển để có sự chuyển mình qua các kênh đó để phù hợp. Điều kiện này cần phải có một sự tổng hòa trong tất cả các giải pháp, đây cũng là một góc độ khó khăn.

Từ góc độ khó khăn thứ ba, có lẽ đây cũng là những chuyển dịch về những chuẩn mực kinh doanh, chuẩn mực hoạt động của ngành bán lẻ thì cũng đang có xu hướng là đi ngược lại đối với các lĩnh vực, ví dụ như là chất lượng hàng hóa, những tiêu chuẩn hóa, những chuẩn mực hoạt động tại các kênh, đặc biệt là kênh thương mại truyền thống. Người tiêu dùng yêu cầu hàng hóa phải ở chuẩn mực cao hơn, giá cũng có những biến động hay những hình thức của hàng hóa ũng có những thay đổi, bản thân là những thay đổi này cũng tạo ra những khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ.

 PV:  Vâng, hiện nay, người tiêu dùng chú trọng hơn tới các mặt hàng thiết yếu, giảm giá, khuyến mại và có sự so sánh giá để chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, kể cả trong giai đoạn thấp điểm, thị trường vẫn được đánh giá là còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và các nhà bán lẻ. Ông có bình luận gì về câu chuyện này?

Ông Nguyễn Anh Đức:  Chính xác, các nhà bán lẻ, các nhà phân phối nói chung thì cũng vẫn có những cơ hội nhất định, họ vẫn có thị trường ngách trong quá trình tăng trưởng. Chúng tôi quan sát thực tế trên thị trường thì vẫn có mức tăng giảm khác nhau ở mỗi loại hình. Ví dụ, có những loại hình hiện nay tăng với tốc độ rất cao là những mô hình chuyên doanh, xác định theo nhu cầu riêng biệt thì vẫn có tốc độ tăng trưởng cao.

Những mô hình mang đến tiện lợi cao hơn cho khách hàng thì vẫn có một tăng trưởng rất là phù hợp. Bên cạnh đó, có những sản phẩm hiện nay vẫn tăng rất cao, đặc biệt là những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, đây là những cơ hội không chỉ là đối với các doanh nghiệp bán lẻ mà cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm.

Vâng. Xin trân trọng cảm ơn ông

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác