Chuyên gia Ấn Độ: Hợp tác kinh tế với Việt Nam là một mục tiêu chiến lược

(VOV5) - Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại New Delhi về tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và Việt Nam, ông Jayadeva Ranade, Chủ tịch Trung tâm Phân tích và Chiến lược Trung Quốc (CCAS) của Ấn Độ, nhận định sau khi tiến hành tự do hóa kinh tế năm 1986, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng GDP trung bình 6,3% trong hai thập kỷ qua. Chính sách kinh tế mới, với tên gọi "Đổi Mới", như một chất xúc tác đối với nền kinh tế Việt Nam, giúp nước này đạt tỷ lệ tăng trưởng nhanh thứ hai ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc.


Theo ông Ranade, sự chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế theo hướng thị trường đã tạo nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Tăng trưởng liên tục của nền kinh tế Việt Nam cùng với nhiều yếu tố hỗ trợ khác đã giúp Việt Nam trở thành điểm thu hút đầu tư. Ông Ranade cho rằng để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng, loại bỏ một số rào cản thuế quan và phi thuế quan, cải thiện kỹ năng cho lực lượng lao động thông qua giáo dục và đào tạo kỹ năng tay nghề. Cho đến nay, tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn còn rất lớn và chưa được khai thác hết. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng phái đoàn doanh nghiệp lớn của Việt Nam tới Ấn Độ hồi cuối tháng Mười vừa qua đã tập trung vào hợp tác kinh tế, bên cạnh việc thúc đẩy quan hệ chiến lược. 


Mới đây, Ấn Độ và ASEAN đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) về dịch vụ và một khi hiệp định này đi vào hoạt động sẽ tạo đà mạnh mẽ hơn cho hợp tác kinh tế Ấn Độ-Việt Nam. Việt Nam cũng đang tham gia thương lượng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cùng ASEAN và các đối tác, trong đó có Ấn Độ, và nếu thành công sẽ góp phần tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước trong tương lai.

Phản hồi

Các tin/bài khác