(VOV5) - Nghị quyết 57 tạo đà cho doanh nghiệp công nghệ số Việt bứt phá, với gần 200 sản phẩm, giải pháp số vinh danh tại Sao Khuê 2025 – minh chứng rõ nét cho tinh thần đổi mới sáng tạo.
Nghe âm thanh tại đây:
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tạo đà cho các doanh nghiệp công nghệ số bứt phá. Tinh thần đổi mới sáng tạo không ngừng của các doanh nghiệp này đang đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
198 sản phẩm, dịch vụ và giải pháp công nghệ thông tin vừa được vinh danh tại Giải thưởng Sao Khuê năm 2025. Đây là năm thứ 22 giải thưởng được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) tổ chức.
Điểm khác biệt của giải thưởng năm nay là số lượng hồ sơ đề cử tăng gấp 1,5 lần so với năm ngoái. Đây là minh chứng cho tinh thần đổi mới sáng tạo không ngừng của các doanh nghiệp công nghệ số. Ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, khẳng định: "Kỷ nguyên này, chúng ta chứng kiến sự phát triển của công nghệ số chiến lược, như AI - Trí Tuệ Nhân tạo, dữ liệu lớn. Hiện nay, không chỉ các cơ quan Nhà nước trong hệ thống chính trị, mà cả các doanh nghiệp đều nhận thức rõ việc Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, kỷ nguyên mới, với nền tảng là sự phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Giải thưởng Sao Khuê thời gian qua đã đồng hành với sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ thông tin và bây giờ là lĩnh vực chuyển đổi số".
Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Hoàng Phương. Ảnh: MIC |
Không chỉ bám sát sự phát triển và chuyển dịch từ công nghệ thông tin đến công nghệ số, từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ công cụ hỗ trợ sang công cụ số, sự đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp số còn thể hiện ở sự đáp ứng những tiêu chí mới, như: công nghệ đột phá, tính ứng dụng hiệu quả thực tế, doanh thu, thị phần và người dùng ở nhóm dẫn đầu, được trị trường đánh giá cao…. Đặc biệt là sự bứt phá trong nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Minh chứng là 100% trong số 54 đề cử của nhóm sản phẩm mới, đổi mới sáng tạo đều đưa AI vào ngay từ khi phát triển.
Giải pháp vận hành hợp kênh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa bán lẻ của SAPO Enterprise là một ví dụ. Doanh nghiệp này được trao giải ở lĩnh vực Quản trị bán hàng, mua hàng, chuỗi cung ứng. Bà Trương Tố Linh, Giám đốc Sapo Enterprise, Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo, chia sẻ: "Giải pháp này phục vụ cho tất cả các dạng doanh nghiệp ở mọi cấp độ, mọi quy mô và mọi giai đoạn phát triển. Đó là điều mà SAPO có thể tự hào là đã đóng góp cho thị trường. Kế hoạch thời gian tới, SAPO tiếp tục nỗ lực và bứt phá, để các giải pháp của công ty có thể tự tin cung ứng cho thị trường ngoài nước"
Theo thống kê của Vinasa, doanh thu năm 2024 của các doanh nghiệp công nghệ số đoạt giải Sao Khuê 2025 là khoảng gần 48.000 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD), chiếm gần 20% doanh thu của toàn ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Vinasa, cho biết các doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa mà còn mang trí tuệ Việt ra thế giới. Các giải pháp về AI, blockchain và điện toán đám mây được đưa vào những hợp đồng lớn tại các thị trường lớn, như: Nhật Bản, châu Âu, Bắc Mỹ.
Những thành tựu này không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm cung cấp dịch vụ số, trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực và trên toàn cầu. "Các sản phẩm và giải pháp được vinh danh tại Sao Khuê không chỉ là một thành tựu về công nghệ, mà nó còn là sự đóng góp mang tính chiến lược cho sự phát triển của đất nước trong Kỷ nguyên vươn mình. Đây là sự lan tỏa rất lớn từ tinh thần của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Vinasa đang cùng các cơ quan, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, đưa ra những nền tảng số, để phục vụ cho 1 triệu doanh nghiệp và hỗ trợ cho 5,2 triệu hộ kinh doanh cá thể, thúc đẩy mạnh mẽ khu vực phát triển kinh tế tư nhân".
Lễ vinh danh và trao Giải thưởng Sao Khuê 2025. Ảnh: VINASA |
Các sản phẩm, giải pháp của các doanh nghiệp số được ứng dụng trong thực tế đã giúp nhiều tổ chức, doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể có thể tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí, gia tăng sức cạnh tranh và nâng cao năng lực phát triển. Hiện, Vinasa cũng đang xây dựng Bản đồ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, cung cấp bức tranh toàn cảnh chính xác về các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ số tại Việt Nam. Từ đó góp phần đẩy nhanh hơn nữa ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số một cách trực tiếp và rộng rãi hơn trong thời gian tới.