Đổi mới sáng tạo - Động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam

(VOV5) - Báo cáo "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam" khuyến nghị Việt Nam nên tái cân đối chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ngày 03/11, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức lễ công bố báo cáo "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam" với thông điệp "Tăng cường hấp thụ, phổ biến công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam".

Đổi mới sáng tạo - Động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam - ảnh 1Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tham quan các quầy trưng bày sản phẩm tại hội thảo. Ảnh: TTXVN

Báo cáo nghiên cứu khung phát triển và chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện tại, phân tích những điểm nghẽn cản trở các doanh nghiệp đổi mới và đề xuất nghị trình cải cách toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng dẫn dắt bởi đổi mới sáng tạo.

Báo cáo khuyến nghị Việt Nam nên tái cân đối chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển từ tập trung đầu tư tạo ra công nghệ tiên tiến sang thúc đẩy hấp thụ và phổ biến công nghệ giữa nhóm các doanh nghiệp. Sự lan tỏa công nghệ có thể mang lại hiệu quả năng suất và chuyển đổi kinh tế đáng kể. Báo cáo cho rằng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo đòi hỏi một chương trình cải cách toàn diện, ngoài việc định hướng lại các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp hơn với năng lực và nhu cầu của doanh nghiệp, các quốc gia cần tăng cường các yếu tố bổ trợ cho đổi mới sáng tạo như kỹ năng của người lao động và khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án đổi mới sáng tạo.

Báo cáo cũng cung cấp các công cụ để đánh giá hiện trạng và tác động của tiến bộ công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Bằng cách áp dụng các mô hình kinh tế vào cơ sở dữ liệu rộng lớn về việc hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố công nghệ đóng góp ngày càng nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019.

Phản hồi

Các tin/bài khác