Đồng Nai hướng tới xây dựng thành phố thông minh

(VOV5) -Về cơ bản, thành phố thông minh là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, 

Tiếp sau Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai là một trong số ít các địa phương được Chính phủ lựa chọn thực hiện thí điểm xây dựng mô hình thành phố thông minh thông qua hợp tác với các tập đoàn lớn trên thế giới. Là một địa phương có tốc độ đô thị hóa vào hạng nhanh nhất cả nước, thời gian qua Đồng Nai đã bước đầu triển khai một số ứng dụng thông minh trong giao thông, y tế, giáo dục…Đây là tiền đề chuẩn bị cho việc hướng tới xây dựng một đại đô thị thông minh trong thời gian tới.  

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Về cơ bản, thành phố thông minh là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên… Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc VNPT cho biết: Nền tảng cốt lõi của đô thị thông minh là sự kết nối giữa các số liệu với nhau, từ internet vạn vật đến tất cả các dữ liệu liên quan đến chính quyền điện tử, các ban ngành phải được chia sẻ dữ liệu với nhau một cách rõ ràng, có tính pháp lý, qua đấy mới mang lại tốt nhất hiệu quả phục vụ người dân

Đồng Nai hướng tới xây dựng thành phố thông minh - ảnh 1TP Biên Hòa ứng dụng giải pháp điều hành giao thông thông minh đã đảm bảo hoạt động giao thông thông suốt -Ảnh Công thương 

Theo mục tiêu mà Chính phủ đề ra là đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 3 đô thị xây dựng được thành phố thông minh gồm Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Và Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Hải Phòng… là những địa phương tiếp theo được thực hiện.

Đối với Đồng Nai, địa phương có tốc độ đô thị hóa vào hạng nhanh nhất cả nước, những năm qua đã bước đầu triển khai một số ứng dụng thông minh, nhằm chuẩn bị cho việc hướng tới xây dựng một đại đô thị thông minh trong thời gian tới. Có thể kể đến các ứng dụng trong lĩnh vực giao thông như giám sát hành trình xe buýt, camera giám sát giao thông, hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông, thành lập trung tâm điều hành giao thông tập trung.

Thiếu tá Trần Trọng Thủy, Công an tỉnh Đồng Nai khẳng định việc triển khai hệ thống tự động này là bước tiến lớn giảm thiểu nhân lực làm việc tại hiện trường: "Đây là một công nghệ hiện đại hóa, tự động phân tích cập nhật dữ liệu, xử lý hành vi tham gia giao thông tại các vị trí được lắp đặt hệ thống camera và các thiết bị kiểm tra, xử lý các lỗi vi phạm. Tất cả được cập nhật hóa, tự động phân tích dữ liệu để xử lý người tham gia giao thông vi phạm."

Đồng Nai hướng tới xây dựng thành phố thông minh - ảnh 2Một góc đô thị Long Khánh- Ảnh Đồng Nai 

Các lĩnh vực khác như giáo dục, giám sát nguồn nước thải thông qua các trạm quan trắc tự động, cảnh báo sớm chỉ số gây ô nhiễm… đã mang lại kết quả tốt. Đặc biệt, từ năm 2018, ngành y tế Đồng Nai đưa vào thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân qua ứng dụng  thông minh trên nền tảng App và Web. Qua đó giúp tin học hóa toàn bộ hoạt động quản lý việc mua, bán, bảo quản thuốc; hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử giúp quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục từ khi một công dân sinh ra đến khi mất đi; bệnh án điện tử hướng tới xóa bỏ sổ khám bệnh, bệnh án giấy tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, giải vấn đề lưu trữ hồ sơ bệnh án…

Hiện nay, Đồng Nai khởi tạo được hơn 3 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân cho người dân, hơn 80% cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh tham gia sử dụng phần mềm kết nối nhà thuốc, các cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở dược phẩm hầu hết đều đã tham gia mạng y tế cộng đồng giúp người dân dễ dàng tra cứu các dịch vụ y tế.

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, Đồng Nai sẽ nỗ lực sớm đưa y tế thông minh vào phục vụ người dân một cách toàn diện: "Đây là một cuộc cách mạng của ngành y tế nói chung, nếu chúng ta nắm được thời cơ này thì chúng ta sẽ phục vụ được người dân tốt hơn rất là nhiều. Chúng ta phải ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian cho các y bác sĩ mất thời gian làm công việc giấy tờ, thay vào đó thì chăm sóc bệnh nhân tốt hơn."

Tuy chưa chính thức tham gia vào đề án Thành phố thông minh, nhưng các sở, ngành khác trong tỉnh vẫn đang ứng dụng các phần mềm trong các hoạt động như giải quyết các hồ sơ, thủ tục qua mạng. Người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu một số thông tin lĩnh vực đất đai, quy hoạch, kê khai hồ sơ điện tử, đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng...Trên lĩnh vực đất đai, Đồng Nai cũng là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về việc cập nhật, thông tin quy hoạch từng thửa đất trên địa bàn tỉnh và công khai rộng rãi. Ở những ngành khác như: kế hoạch - đầu tư, lao động - thương binh và xã hội, ngân hàng, hải quan, thuế... cũng đang từng bước ứng dụng công nghệ với mục tiêu triển khai các hoạt động của ngành hiệu quả hơn và nâng cao khả năng phục vụ.

Xây dựng đô thị thông minh là điều mà tất cả các tỉnh, thành hướng đến. Đồng Nai không nằm ngoài xu hướng này và những ứng dụng trên sẽ là tiền đề cho việc kết nối với thành phố thông minh, mục tiêu là lấy con người làm trung tâm, ứng dụng các công nghệ mới vào trong các lĩnh vực giúp nâng cao đời sống của người dân ở các khu đô thị.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác