Nâng trần bội chi ngân sách nhà nước-giải pháp cần thiết trong giai đoạn hiện nay

(VOV5) - Bàn về vấn đề nới trần bội chi từ 4,8% lên 5,3% đưa ra trong Nghị quyết của Quốc hội , nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp này là cần thiết trong thời điểm hiện nay. 

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết  về phát triển kinh tế xã hội năm 2014;  điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Theo đó, trần bội chi ngân sách Nhà nước nâng lên 5,3% GDP. Để kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm hài hòa, cân bằng với các mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát trong những năm tiếp theo, các chuyên gia cho rằng, vấn đề cơ bản là phải thực hiện kiểm soát chi tiêu cùng hàng loạt giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế:

 
Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Bàn về vấn đề nới trần bội chi từ 4,8% lên 5,3% đưa ra trong Nghị quyết của Quốc hội với lý do thu  ngân sách không đạt chỉ tiêu, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp này là cần thiết trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, nới trần bội chi có nghĩa là tăng nợ công mà thường phải bù đắp bằng các nguồn vốn vay trong nước và nước ngoài. Chính vì vậy, nới trần bội chi là cần thiết nhưng để giúp cho nền kinh tế ổn định trong tương lai cần hàng loạt giải pháp đi kèm như tiết kiệm và kiểm soát chi tiêu công…

Về vấn đề này, tiến sĩ Lê Quốc Dung, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho biết:  “Tôi nghĩ nâng trần nợ công và bội chi ngân sách kỳ nay có ý nghĩa quan trọng nhưng chúng ta phải nhìn thấy hoàn cảnh của đất nước ta như thế nào, hệ lụy ra sao. Chúng ta mới bắt đầu phát triển nếu chúng ta mà đổi mới tốt, chính sách tốt, thì chúng ta phải duy trì tốc độ phát triển 6,7,8%. Nhưng vì chúng ta còn nhiều hạn chế ảnh hưởng tới kinh tế,  doanh nghiệp yếu. Trong khi đó, có những khoản phải chi như chương trình tái cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế biển, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội…Nên theo tôi, Quốc hội, Chính phủ, các ngành phải kiểm soát được những khoản chi. Kèm theo đó, triển khai chương trình đề án cắt giảm chi tiêu cả trung hạn, dài hạn, ngắn hạn, kể cả cơ cấu nền kinh tế, cắt giảm ngân sách”

Cũng đồng tình với ý kiến của tiến sĩ Lê Quốc Dung, bà Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia tài chính cũng cho rằng: Việt Nam đang nằm trong nhóm nước đang phát triển, nới trần nợ công để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế là đúng. Tuy nhiên, nợ công ở mức cao cùng với hàng loạt những bất cập đang ảnh hưởng tới nguồn thu.

Chính vì vậy, theo bà Mùi, giải pháp hiện nay là: “Xác định nguồn thu trong trung hạn. Trần nợ công mình xác định là bao nhiêu từ đó, từng bước lập lại những ổn định về vĩ mô và đi theo đó là cân đối vĩ mô, tích lũy tiêu dùng giữa tiết kiệm với đầu tư, tăng trưởng kinh tế với vấn đề việc làm và xử lý lạm phát. Quay về nới trần bội chi thì phải có nhữnh điều kiện, bàn rất nhiều, nhưng theo tôi, quan tâm không nới trần bội chi không được vì nguồn thu có hạn, khoản chi không đừng được trong đó có chi để bù đắp số đông người dân bị tổn thương nặng do suy thoái kinh tế và bất khả kháng về thiên nhiên. Nhưng theo tôi, phải xem xét lại vấn đề thu chi ngân sách, vấn đề cốt lõi, chi chỉ được phép trên cơ sở thu và xác định nguồn chi trên cơ sở nguồn thu trung hạn. Đã chi là phải tính đến tiết kiệm, gắn với kỷ luật ngân sách, chống lãng phí, thất thoát, đồng vốn thực sự hiệu quả. Vì như thế mới có điều kiện hạn chế những mặt tiêu cực của nới trần bội chi như là lạm phát, giảm niềm tin, thiết lập được tạo lập cân đối vĩ mô mới cho nền kinh tế phát triển ổn định hơn”.

Để đảm bảo nhiệm vụ thu chi Ngân sách nhà nước, một trong những giải pháp mà Chính phủ đang thực hiện là cơ cấu lại các khoản nợ xấu. Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình thông tin tới thời điểm này, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua được 10 ngàn tỷ đồng nợ xấu.  Có tới 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu trở thành nợ xấu. Chính vì vậy, ông Nguyễn Văn Bình nêu ý kiến:  “Trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Đến nay, công ty VAMC đã mua được 10 ngàn tỷ nợ xấu. cộng lại tất cả các con số nếu không triển khai giải pháp nêu trên, nợ xấu tăng thêm 10%.  Để xử lý được nợ xấu phải có giải pháp đồng bộ hơn nữa, trong đó, giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Phải có các giải pháp tổng thể, để tăng tổng cầu của nền kinh tế để nền kinh tế khởi sắc hơn. Ngoài các giải pháp đã triển khai, tích cực phối hợp với các bộ, ngành cũng như ngành sản xuất để có giải pháp tháo gỡ”.

  Theo các chuyên gia, nâng trần bội chi là giải pháp ngắn hạn. Xét về lâu dài, cần phải thực hiện hàng loạt biện pháp như tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế trong đó, tập trung tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và thị trường tài chính. Có như vậy, việc nâng trần bội chi ngân sách mới đảm bảo hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sức lan tỏa trong nền kinh tế và đảm bảo an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia trong giai đoạn tới./.                                                            


Phản hồi

Các tin/bài khác