Nguyện lòng gìn giữ đến mai sau

  Nguyện lòng gìn giữ đến mai sau - ảnh 1

Đoàn kiều bào về dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đến chào Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

 

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mồng mười tháng ba”
Sâu trong tiềm thức, trái tim tôi chẳng thể nào quên được hai câu thơ ấy. Từ nước Nga xa xôi, nó đã thôi thúc trong lòng người xa xứ, như tiếng gọi linh thiêng đưa tôi về đất Tổ trong ngày Quốc giỗ 2011.

 

Trời trong, gió mát, đêm Nghĩa Lĩnh lung linh huyền diệu, ánh trăng mờ ảo nâng bước chân 40 kiều bào chúng tôi qua từng bậc thang đến với đền thờ tổ tiên. Mỗi người là một đại diện ưu tú cho hơn 4 triệu kiều bào trên toàn thế giới được hòa cùng với nhân dân cả nước về dâng hương trong buổi tối thanh bình, uy linh này. Ai cũng mang một tình cảm, tình yêu đặc biệt dành cho Tổ mẫu Âu Cơ và Tổ phụ Lạc Long Quân đã sinh ra dân tộc Việt, biết ơn các vị Vua Hùng, gây dựng đất nước Văn Lang từ thuở hồng hoang.

 

Nguyện lòng gìn giữ đến mai sau - ảnh 2

Về miền đất Tổ vua Hùng

 

Đền Hùng, sử sách ghi lại gồm quần thể đền thờ nằm trọn từ chân đến đỉnh núi Nghĩa Lĩnh bao la, xanh tươi, hùng vĩ. Bắt đầu tư cổng đền, tới đến Hạ, qua đền Trung và cuối cùng là đền Thượng. Móng đền được xây từ thời vua đinh Tiên Hoàng, và hoàn thiện như ngày nay từ thế kỷ 15, nơi thờ phụng vua Hùng và tôn thất của hoàng gia. Nơi đây vẫn con in dấu ấn từ thuở khai thiên lập địa. Truyền thuyết Hùng Vương kể rằng, từ hàng nghìn năm trước khi vua Hùng tìm đất định đô, vua tìm mãi cho đến khi đứng trước một vùng đất ba sông hội tụ, đồi núi gần xa, khe ngòi quanh quất, thế đất bày ra như hổ phục rồng chầu. Giữa quả đồi xanh tốt đột ngột nổi lên một ngọn núi như con voi mẹ nằm giữa đàn con. Vua lên núi nhìn ra bốn phía thấy ba bề bãi rộng bồi đắp phù sa, bốn bề cây xanh hoa tươi quả ngọt, vừa trùng điệp vừa quanh co, có rộng mà phẳng, có hẹp mà sâu. Vì lẽ đó mà Kinh đô Phong Châu được dựng lên kéo dài từ ngã ba Bạch Hạc tới núi Nghĩa Lĩnh. Ngày nay, đến Hùng nằm cách thành phố Việt Trì chừng 10km, được kết nối bởi con đường Hùng Vương rộng rãi, thông thoáng. Đền vẫn giữ được nhiều nét cổ kính, rêu phong giữa rừng cây xanh mát, không khí thanh tịnh, uy nghiêm.

 

Nguyện lòng gìn giữ đến mai sau - ảnh 3

Cung kính thắp nén nhang thơm trước tổ tiên của Dân tộc Việt

 

Đoàn người chúng tôi men theo bậc thang uốn lượn như hình con rồng vắt mình trên sườn núi, mỗi bậc thang đưa những người con về gần hơn với tổ tiên  mình. Dù từ chân đến đỉnh chỉ cao chừng 175 mét, nhưng đó cũng là thách thức với không ít người trong đoàn vì tuổi cao, sức yếu. Dẫu vậy, không ai biểu lộ sự mệt mỏi, mà nét mặt ai cũng háo hức, tươi vui. Cụ Duyên, năm nay đã ở tuổi bát thập lai hi, mới từ Mỹ về, nhưng vẫn gắng sức đi thăm tất cả các đền, tự tay thắp từng nén nhang. Tấm lòng của cụ, tình yêu với quê hương đất nước, tổ tiên nguồn cội khiến mọi người hết sức xúc động. Dường như, mỗi người con Lạc, cháu Hồng đều đang sống trong cùng một nhịp đập trái tim.

 

Càng dần tới đỉnh núi, tôi lại càng thấy những kỉ niệm xưa ùa về Hơn hai mươi năm trước, cũng trên mảnh đất thiêng này, tôi đã thắp nén hương trong lăng mộ các Vua Hùng, khẩn cầu sự may mắn, bình yên cho quãng thời gian lưu lạc trên đất khách quê người. Giờ đây, hành hương về đất tổ theo lời mời của Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, những kỉ niệm đan xen hòa quyện với cảnh vật huyền ảo, khiến niềm tin của tôi càng thêm vững vàng. Tôi thầm cảm ơn các vị tiên đế, bao năm qua đã phù hộ độ trì cho những người con xa xứ được mạnh khỏe, bình yên trên đường đời mưu sinh xa nơi đất mẹ.

Đứng trước Đền Hạ, nơi tổ Mẫu Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, tôi mới thấy thiêng liêng hai tiếng đồng bào. Những người con sinh ra cùng một mẹ, 50 lên rừng 50 xuống biển chia nhau cai quản các vùng, trở thành tổ tiên của người Bách Việt. Sau này, hai tiếng đó đã xuất hiện trong câu nói bất hủ của Bác “Hỡi đồng bào cả nước”, đưa vào tuyên ngôn độc lập như một minh chứng cho một dân tộc đoàn kết, đồng cam cộng khổ.

 

Nguyện lòng gìn giữ đến mai sau - ảnh 4

Đoàn đến thăm một trong các cột mốc biên giới ở Lạng Sơn

 

Thêm 168 bậc đá nữa, từ Đền Trung nhìn xuống đã thấy núi rừng hùng vĩ hơn bội phần. Đúng là: Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông qui một mối/Lên cao nhìn rộng, nghìn trùng đồi núi tựa đàn con. Tương truyền, nơi đây các vua Hùng cùng Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn núi Nghĩa Lĩnh ngắm cảnh và bàn việc nước. Rồi đoàn người tiếp tục hành hương tới Đền Thượng, ngôi đền thể hiện sự uy nghiêm trầm mặc tọa lạc trên đỉnh núi. Đứng trước ngôi đền, mới thấy được vì sao xưa kia các vua Hùng đã lựa chọn nơi đây để định đô. Núi rừng bao la, hùng vĩ đúng thế hổ phục, rồng chầu. Nơi đây, xưa kia các vua Hùng thường tiến hành các nghi lễ, tín ngưỡng của người dân thờ trời, thờ đất, thần lúa, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, toàn dân thịnh vượng. Trên cổng đền Thượng vẫn còn nguyên dòng chữ “Nam Việt triều tổ”( Tổ tiên của người Việt Nam), được khắc cẩn thận nhắc nhở cháu con muôn đời sau về cội nguồn dân tộc.

 

Đoàn chúng tôi dừng lại, ngồi rất lâu bên đền Giếng, là nơi ngày 19.9.1954, khi trò truyện với đại đoàn quân tiên phong chuẩn bị về tiếp quản thủ đô bác Hồ đã căn dặn:  “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời Bác dạy vẫn vang vẳng trong trái tim mỗi người Việt Nam. Hôm nay, dù hai miền đã hòa làm một, non sông gấm vóc thái bình, nhưng còn đó những chiến sĩ, người lính vẫn ngày đêm canh giữ đất trời. Tôi còn nhớ như in hình ảnh người lính đứng hiên ngang trên đồn biên phòng Hữu Nghị. Hình ảnh Phó Chỉnh ủy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn, Giáp Văn Tính say xưa kể chuyện cho các kiều bào nghe về những người lính cụ Hồ đã ngày đêm vất vả, sương gió đi dọc 1.400km đường biên giới Việt - Trung, để cắm được 1971 cột mốc, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm, không để mất một tấc đất tổ tiên để lại.

 

Tôi đã được thăm đền Hùng, được trở về nguồn cội như một con chim nhỏ tìm về tổ, sau khi bay đi khắp miền xa xôi của trái đất. Thắp một nén nhang để tưởng nhớ anh linh tiên tổ, tôi nhắm mắt thả hồn theo tiếng gọi của núi sông, tiếng gọi linh thiêng của đất mẹ. Rồi bỗng nhiên thấy lòng thật nhẹ nhàng, thanh thản, rồi bỗng nhớ đến những vần thơ ẩn chứa một tâm hồn và tấm lòng cao đẹp của tác giả:

 

Gốc  tích cha ông vẫn khắc sâu
Rồng Tiên thuở trước tình tương ái
Âu Lạc hôm nay nghĩa đồng bào
Dựng nước công Người sao kể xiết
Nguyện lòng gìn giữ đến nghìn sau./.

Theo Ngô Tiến Điệp/hoinguoiviet.ru


Phản hồi

Các tin/bài khác