Những biểu tượng đẹp của tinh thần và sức sống Việt

(VOV5) - Không có nhiều chuyến đi thăm mô hình phát triển kinh tế ở địa phương có được những nét đặc biệt như chuyến đoàn đại biểu phụ nữ kiều bào khắp thế giới về thăm mô hình sản xuất, chế biến nấm ăn của phụ nữ nghèo tại Thanh Hóa. 

Những biểu tượng đẹp của tinh thần và sức sống Việt - ảnh 1
Phụ nữ Thanh Hóa đón đoàn phụ nữ kiều bào



Nghe nội dung chi tiết tại đây:





Xã Thiệu Khánh cách trung tâm thành phố Thanh Hóa chừng 7 cây số theo đường chim bay. Từ đường quốc lộ rẽ vào, hai bên là ruộng lúa, đây đó mọc lên vài ngôi nhà 2, 3 tầng mới xây. Đoàn đại biểu về dự hội nghị phụ nữ kiều bào lần này, doanh nhân có, trí thức có, hầu hết lần đầu tiên tới đây.

Xe dừng lại ở thôn 9. Vừa xuống xe, đã thấy khá đông phụ nữ xếp thành hai hàng dọc sát theo con đường thôn rải đá, đứng đợi. Những người đàn bà tần tảo, chất phác thường ngày của ruộng đồng, hôm nay có phần tươm tất hơn để đón khách “Việt kiều” từ nước ngoài về thăm.

Người chủ của HTX, chị Nguyễn Thị Liên chào khách. Mọi người cùng ồ lên vì người chủ HTX chế biến và tiêu thụ nấm ăn quá trẻ, chỉ chừng non 30 tuổi, mảnh mai, tác phong nhanh nhẹn. Xuất thân trong một gia đình nghèo, ở một xã nghèo thuần nông, cuộc sống chật vật, chị Liên tham gia lớp dạy nghề do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa tổ chức với ý thức tìm hướng đi cho tương lai.



Những biểu tượng đẹp của tinh thần và sức sống Việt - ảnh 2
Chị Lê Thị Liên (ngồi giữa)


Học xong, chị mạnh dạn vay mượn 50 triệu đồng, một số tiền khá lớn với người lao động ở nông thôn, để thực hiện mô hình trồng nấm tại địa phương. Cũng trải đủ thất bại rồi mới thành công, đến nay hàng tháng cơ sở của chị sản xuất được một lượng nấm ổn định, có việc làm thường xuyên cho 25 nhân công. Trong bài phát biểu giới thiệu, chị Nguyễn Thị Liên cho biết: “Thời gian tới, gia đình tôi dự định sản xuất lên 200.000 bịch nấm sò và mộc nhĩ một năm. Đồng thời, chúng tôi sẽ sản xuất thêm nấm rơm để đáp ứng nhu cầu ngày một lớn của các bạn hàng và tạo thêm công ăn việc làm cho chị em trong xã”.



Những biểu tượng đẹp của tinh thần và sức sống Việt - ảnh 3
Những bịch mộc nhĩ bung nở như hoa.



Nhìn những bịch mộc nhĩ đang bung nở như hoa được treo thành nhiều hàng cao ngất trong khu nhà rộng trên 3.000m2, nhìn những người phụ nữ nghèo Thanh Hóa vươn lên mưu sinh, thoát nghèo -  nước mắt đã rơi trên khuôn mặt của nhiều phụ nữ kiều bào luống tuổi.
Không có ai trong số những nữ chủ nhà biết rằng, những vị khách từ phương xa, phục sức sang trọng đang lắng nghe nghe câu chuyện của chị Liên, cũng đã trải qua bao gian nan vất vả để thành công nơi xứ người.

Những biểu tượng đẹp của tinh thần và sức sống Việt - ảnh 4
Bà Tứ Linh nói chuyện chân tình với những phụ nữ thôn quê.



Bà Tứ Linh, 80 tuổi, người Việt ở Mỹ, cho hay bà cũng là một “người nhà quê” chính hiệu. Sang phương tây nhiều năm, nhưng tình cảm với quê hương, đất nước vẫn vẹn nguyên trong dạ. Về đây lần này, bà thấy cảm phục trước nghị lực của cô gái trẻ Nguyễn Thị Liên: “Chị Liên từ một người nghèo vươn lên như vậy tôi rất quý, kính phục. Tôi già rồi, tôi nghĩ tôi phải làm gì đây?Nếu có thể được thì cho tôi biết địa chỉ của các chị để có dịp tôi mời các chị sang Mỹ để thuyết trình về mô hình này, giúp cho những người bên đó làm những dự án như thế này rất là hay. Người Việt Nam  mình vươn lên như vậy thì ở đâu cũng có thể sống được”.


Những biểu tượng đẹp của tinh thần và sức sống Việt - ảnh 5
Quang cảnh buổi gặp mặt.



Cũng như bà Tứ Linh, nhiều người trong đoàn khách bày tỏ sự cảm phục sức mạnh của những người phụ nữ nghèo Thiệu Khánh. Dưới đáy của sự nghèo khó, họ đã lội ngược dòng, dấn thân để không những làm giàu cho mình mà còn giúp đỡ công ăn việc làm cho các chị em nghèo khác trong xã.

Trong chớp nhoáng, cả đoàn khách kiều bào đã quyên góp được hơn ba chục triệu đồng để trao tặng ban sáng lập HTX, những mong cơ sở sẽ tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình cho nhiều phụ nữ khác cùng tham gia. Riêng chị Tạ Phạm Bích Thủy, một cô giáo nghèo thời bao cấp rời đất nước ra đi với hai bàn tay trắng, nay đã thành đạt trong kinh doanh, và là Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Séc, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, đã đồng cảm với nghị lực của những người phụ nữ ở quê nhà, theo cách như thế này: “Chúng tôi có một sự chia sẻ. Chúng tôi, phụ nữ người Việt tại Cộng hòa Séc cho các chị vay 100 triệu đồng không lấy lãi, cũng như không có thời hạn, khi nào cơ sở của mình khá lên thì gửi lại để chúng tôi dùng số tiền đó đem cho vay tiếp cho các hộ còn khó khăn”.

Những biểu tượng đẹp của tinh thần và sức sống Việt - ảnh 6
Chị Ý Thu chia sẻ với các chị em phụ nữ Thanh Hóa


Chị Ý Thu, được nhiều người Singapore biết đến với các nhà hàng ăn đậm chất Việt, mang theo cuốn sách bí quyết kinh doanh của những nữ doanh nhân thành đạt ở Singapo, trong đó có chị, để dành tặng cho những phụ nữ nghèo thôn quê: “Giờ cuộc đời còn lại của tôi dành cho quê hương và đất nước. Tôi sẽ giúp cho người ở nông thôn. Nhưng với các chị ở nơi đây, tôi xin chia sẻ 1 điều “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Tôi làm được thì các chị cũng làm được. Mình phải tự tin và tự hào chính bản thân mình”.

Tiếng xôn xao hòa lẫn những tràng pháo tay cổ vũ từ những bàn tay thô ráp, sần sùi chỉ quen lao động nặng nhọc vang lên trong cả khu nhà xưởng.

Những người phụ nữ Thiệu Khánh còn ngạc nhiên nhiều hơn nữa, khi bà Việt Anh, một cựu bác sĩ ở Angola đề xuất: “Tôi nhìn thấy mô hình này, tôi nghĩ ngay rằng mô hình này tôi có thể triển khai ngay bên trang trại Angola của tôi. Tôi mong các chị em ở HTX cho tôi xin một kỹ thuật về trồng nấm, để triển khai nấm ở Angola, để cho người lao động ở Angola được hưởng thụ tài sản này của đất nước”.

Giờ đây, sự xúc động không còn là từ phía đoàn khách nữa mà đã lan tỏa và bao trùm lên tập thể với mấy chục chị em trong hợp tác xã.

Những tấm gương vượt khó, mối đồng cảm của những người phụ nữ Việt từ khắp các phương trời, khi quy tụ ở nơi đây làm tôi nhớ đến lời của tiến sĩ Alan Phan, người Việt ở Mỹ, đã từng viết rằng, niềm hãnh diện của một dân tộc, là có những con người luôn vượt lên khó khăn như các chị “là động lực khiến chúng tôi phải gắng đi thêm bước nữa trong những giờ phút đen tối khó khăn nhất, phải vượt qua cái kỹ năng hạn hẹp của mình để tỏa sáng.”                  

Giờ chia tay lưu luyến, tay cầm tay bịn rịn không rời. Dọc theo con đường bờ mương đi bên cạnh những phụ nữ sang trọng là những người phụ nữ chân chất, bình dị mà không cam chịu.

Nhìn bóng dáng họ nương tựa vào nhau, sau hành trình những người phụ nữ Việt từ muôn phương trời gặp nhau tại làng quê Thiệu Khánh này, với sức mạnh nội tại và tinh thần sẻ chia, truyền lửa ấy, càng thấy họ thật sự là “những biểu tượng đẹp của tinh thần và sức sống Việt”./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác