Sống cho trọn vẹn với đồng đội, với trái tim người lính

(VOV5) - Hiện tại không còn trong Ban chấp hành nữa, nhưng Trần Hữu Quê vẫn tham gia các hoạt động chung của cộng đồng.

Sang Bulgaria từ năm 1988 trong chương trình hợp tác xuất khẩu lao động giữa hai nước, Trần Hữu Quê trở thành một trong những doanh nhân Việt khởi nghiệp thành công đưa mặt hàng may mặc của Việt Nam sang phân phối tại thị trường Bulgary trong suốt mấy chục năm, và cũng tự hào là một trong những người chỉ kinh doanh duy nhất mặt hàng Made in Vietnam. Ông nói: Tôi làm, với tinh thần của một người lính bộ độ Cụ Hồ, không quản ngại khó khăn gian khổ.  Dịp 27/7 mỗi năm, lại khiến người cựu chiến binh ấy bồi hồi.

Sống cho trọn vẹn với đồng đội, với trái tim người lính - ảnh 1Ông Trần Hữu Quê (thứ hai, từ phải qua) và các đội cũ

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Ông Trần Hữu Quê chia sẻ: “Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ngày 27/7 hằng năm là ngày thương binh liệt sĩ, tức là ngày tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ non sông, đất nước, giải phóng dân tộc bị đế quốc áp bức, tri ân những đồng chí bộ đội thương binh để lại phần máu, thịt phần cơ thể của mình ở chiến trường giải phóng dân tộc. Đến ngày hôm nay chúng ta được sống trên đất nước thanh bình, tôi rất tự hào. Mọi người dân Việt Nam không bao giờ quên công lao của các anh hùng liệt sĩ, các chiến sĩ thương bệnh binh vì chủ nghĩa xã hội hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Tôi rất cám ơn dân tộc!".
Sống cho trọn vẹn với đồng đội, với trái tim người lính - ảnh 2Cựu chiến binh Trần Hữu Quê

Tháng 3 năm 1971, những ngày tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trần Hữu Quê, chàng trai 18 tuổi quê xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình cùng bạn bè lên đường nhập ngũ, chiến đấu cùng đồng đội trong đội ngũ Sư đoàn 3 tại Bình Định. Ông nhớ lại: "Rất tự hào được cùng đồng đội chiến đấu ở Sư đoàn 3 anh hùng. Cũng như phần lớn các đơn vị từ cấp trung đoàn trở lên của Quân đội nhân dân Việt Nam, Sư đoàn 3 được mang một danh hiệu riêng là Sư đoàn Sao Vàng. Tên gọi này được đặt với ý nghĩa "nhắc cán bộ chiến sĩ hãy dũng cảm chiến đấu vì lá cờ vinh quang của Tổ quốc, vì một nước Việt Nam độc lập và thống nhất.”

Năm 1974, Trần Hữu Quê được cử đi bổ sung, xây dựng lực lượng nòng cốt cho bộ đội địa phương tại D53 Bình Định, rồi sau hòa bình, đến năm 1977 phục viên. Ông nói: "Khi phục viên, như các đồng đội cũ, cuộc sống có nhiều khó khăn, nên được chọn đi lao động xuất khẩu tại Bulgaria, tôi đã tự nhủ sẽ cố gắng hết sức để tạo lập một sự nghiệp cho mình, nhưng cũng để có thể làm nhiều việc có ích cho xã hội, tri ân những đồng đội đã ngã xuống".

Sống cho trọn vẹn với đồng đội, với trái tim người lính - ảnh 3Cựu chiến binh Trần Hữu Quê bên những đồng đội năm xưa

Với sự nhạy bén của Trần Hữu Quê, công ty QDICO-Ltd ra đời tại Bulgaria với những chuyến hàng may mặc đầu tiên được chuyển bằng đường máy bay. Chỉ ba năm sau đó, những container đầu tiên đầy hàng đã được đều đặn chuyển từ Việt Nam sang Đông Âu – với số lượng trung bình từ 900-1000 tấn/năm ổn định.

Trở thành cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam sang các nước khu vực Balkan thời kỳ dài, Trần Hữu Quê từng là một trong 42 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu khu vực châu Âu năm 2009 được Bộ Công Thương vinh danh trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nhân Việt kiều châu Âu lần thứ tư tại Berlin (Đức).

Sống cho trọn vẹn với đồng đội, với trái tim người lính - ảnh 4Cựu chiến binh Trần Hữu Quê (ngoài cùng bên phải) bên nấm mộ đồng đội cũ

Là một doanh nhân thành đạt, luôn đau đáu về đồng chí đồng đội xưa, Trần Hữu Quê làm đúng tâm nguyện của người lính, không chỉ cùng tham gia các hoạt động thiện nguyện của cộng đồng, anh đã ba lần tài trợ 100% kinh phí  đồng đội cũ và cả gia đình của đồng đội liệt sĩ cùng thăm chiến trường xưa; tặng xe, tiền viện phí cho một số anh em đồng đội nghèo khó. 

Sống cho trọn vẹn với đồng đội, với trái tim người lính - ảnh 5Xúc động giây phút tìm được đồng đội 

Ông kể: “Hạnh phúc nhất là lần đồng đội chúng tôi tìm được phần mộ liệt sĩ Trần Văn Duyên, quê ở Nam Trung, Tiền Hải và đưa về quê hương năm 2009. Đối với người có công cách mạng, về chính sách của Nhà nước đã có từ lâu nhưng tôi mong muốn cần có chính sách hỗ trợ cao hơn những gia đình liệt sĩ và các đồng chí thương bệnh binh vì trong cuộc chiến giải phóng dân tộc, các gia đình và các đồng chí mất mát quá lớn, không có gì bù đắp nổi".

Nhiều năm là Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Bulgaria, hiện tại không còn trong Ban chấp hành nữa, nhưng Trần Hữu Quê vẫn tham gia các hoạt động chung của cộng đồng. Ông nói: công việc quá bận rộn, nhưng với bà con cộng đồng, với những việc chung mình luôn cần cố gắng tham gia, sống cho trọn vẹn với đồng đội, với trái tim người lính.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác