Trường Sa trong trái tim kiều bào

(VOV5) - 70 kiều bào từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, với nhiều thành phần khác nhau vừa hội tụ trên chuyến tàu đại đoàn kết ra thăm cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa tháng 4 vừa qua.
Chuyến hải trình với trên 10 điểm đảo và nhà giàn đã để lại cho họ những cảm xúc đặc biệt về biển đảo và những người lính Trường Sa. 


Trường Sa trong trái tim kiều bào - ảnh 1
Khi quốc thiều vang lên, đoàn đại biểu kiều bào trong trang phục áo cờ đỏ sao vàng, bàn tay phải đặt lên trái tim mình cùng hòa giọng hát vang tại đảo Sơn Ca.


Nghe âm thanh phóng sự tại đây:



Đối với phần lớn thành viên trong đoàn kiều bào, đây là lần đầu tiên được đến Trường Sa. Những bước chân rộn ràng, nụ cười tươi tắn hiện rõ ngay từ phút đầu tiên bước chân lên tàu KN 490 tại quân cảng Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh.

Sau hai ngày hai đêm trên biển, cảm xúc vỡ òa khi điểm đảo đầu tiên trên chuyến hành trình hiện ra trước mắt. Bà Trương Kim Anh, nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ VN khóa VII, hiện đang sống ở Mỹ, đã khóc ròng vì cảm phục các chiến sĩ trẻ có độ tuổi chỉ bằng cháu mình mà hiên ngang đứng nơi tiền tuyến để bảo vệ Tổ quốc: “Tôi mong các anh giữ gìn sức khỏe để bảo vệ tuyến đầu của đất nước ta, đem lại bình yên cho nhân dân ta”.

Chị Tạ Thùy Liên, trưởng ban điều hành Ban liên lạc cộng đồng người Việt tại Singapore, cho rằng ban đầu cứ nghĩ là đi Trường Sa là để động viên các cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo xa. Nhưng kỳ thực không phải vậy: “Thật sự khi tới đây, tinh thần lạc quan của các chiến sĩ chính là nguồn động viên, tiếp thêm vào niềm tin của kiều bào. Em cảm thấy vững tin và hãnh diện về ý chí kiên cường và tinh thần vượt qua khó khăn, gian khổ của các chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam”.

Khi nhắc đến tấm gương anh dũng của các anh hùng liệt sĩ tại đảo Gạc Ma vào ngày 14 tháng 3 năm 1988 đã hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa, người cựu binh Lã Đức Trung, hiện đang sống tại Ba Lan, đã nghẹn giọng, hướng mặt ra biển khơi để giấu những giọt nước mắt cứ thế tuôi trào theo từng tiếng nấc nghẹn: “Cũng như bao người khác, tôi rất xúc động khi được nghe, được tận mắt nhìn thấy, đi thăm rất gần những nơi các liệt sĩ đã hi sinh. Các liệt sĩ hi sinh với tuổi đời rất trẻ. Tôi đã đến bia ghi tên các liệt sĩ, cắm hương, tưởng nhớ các liệt sĩ. Tôi sống ở nước ngoài rất lâu năm, sống một cuộc sống yên bình. Vì cuộc sống cơm áo gạo tiền nên ít khi nghĩ đến, nhưng khi về đến tận nơi đây, nhìn thấy, thì tôi nghĩ mỗi người chúng ta phải nhớ đến những người đã hi sinh vì chúng ta để hôm nay chúng ta có thể bước chân lên đây, lên quần đảo Trường Sa, mảnh đất địa đầu của Tổ quốc”.

Có những cảm xúc có lẽ khó có thể nào quên đối với bà con kiều bào ra thăm Trường Sa. Đó là phút giây thiêng liêng đứng chào cờ, hát quốc ca dưới cột mốc chủ quyền với 4 mặt là cờ Tổ quốc tại đảo Sơn Ca. Khi quốc thiều vang lên, tất cả đoàn đại biểu kiều bào trong trang phục áo cờ đỏ sao vàng, bàn tay phải đặt lên trái tim mình cùng hòa giọng hát vang. Lời thề danh dự của quân nhân trên đảo Sơn Ca dưới lá cờ Tổ quốc nguyện hi sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam như càng khẳng định thêm ý chí kiên định và quyết tâm bám đảo, giữ vững chủ quyền lãnh hải Tổ quốc của các chiến sĩ đảo xa. Cũng tại đảo Sơn Ca này, bà Trương Kim Anh tâm sự thật với phóng viên chúng tôi rằng trước khi đi thăm Trường Sa, bà chưa có nhiều thông tin về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Thậm chí ở Mỹ bà còn nghe thấy những thông tin trái chiều rằng mất đảo này nọ, nhưng về đây, được đến tận nơi, thấy tận mắt, bà nhận ra rằng biển đảo Việt Nam vẫn đang được các chiến sĩ hải quân đêm ngày giữ vững.

Suốt 10 ngày trên hải trình Trường Sa, bà con kiều bào đã dừng chân thăm các đảo như: Đá Lớn, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Đá Tây, Đá Lát, Trường Sa Lớn và nhà giàn DK1, những người con Việt xa xứ đã tận mắt chứng kiến khó khăn, gian khổ, sự hi sinh lớn lao của bộ đội trên đảo. Hơn 600 triệu đồng tiền mặt và gần một tỷ đồng hiện vật tuy giá trị vật chất không phải là lớn nhưng phần nào thể hiện được tình cảm mà bà con kiều bào muốn trao gửi cho các chiến sĩ nơi hải đảo xa. Suốt chuyến đi, mỗi người một tâm tư, một trăn trở, nhưng tựu chung lại đều hướng đến một việc, theo lời chị Nguyễn Thị Thu Thảo, kiều bào ở Ôxtrâylia: “Bà con kiều bào trong đoàn đều muốn sau khi về nước làm sao để đưa những thông tin về chủ quyền biển đảo đến với nhiều người hơn và cùng với cộng đồng ở nước sở tại đóng góp được nhiều hơn cho quê hương”.

Từ khi đặt chân lên các đảo nổi và đảo chìm ở Trường Sa, những giây phút gặp gỡ ngắn ngủi với các cán bộ, chiến sĩ hải quân, ông Đỗ Thuyên, kiều bào ở Cộng hòa Séc nhận ra rằng, đến đây, ông thấy yêu hơn bao giờ hết từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc mà cha ông đã gây dựng lên. Và ông có tâm nguyện: “Tôi nguyện từ nay trở về sau đem tâm trí của mình lan tỏa ra khắp nơi để cho những người chưa có cơ hội được đặt chân tới địa đầu của Tổ quốc thấu hiểu được sự gian khổ, mất mát, hi sinh vì biển đảo, vì chủ quyền của Tổ quốc”.

Chiếc tàu KN 490 rời cầu cảng đảo Trường Sa, những dòng lệ tuôn rơi, những cánh tay vẫy mãi. Trong phút luyến lưu ấy, một số bà con kiều bào bắc tay lên miệng làm loa, hô to: “Trường Sa không xa”. Lẫn trong tiếng gió, tiếng sóng là lời đáp lại của các chiến sĩ trẻ, những người con của biển: “Quyết chiến, quyết thắng”. Những đôi mắt thắp lửa sáng ngời, những cánh tay chắc nịch như cây phong ba của chiến sĩ Trường Sa vẫy chào người đi giúp bà con kiều bào thêm vững niềm tin về nghị lực của những người lính hải quân nơi tuyến đầu Tổ quốc hôm nay. Để rồi tự hứa với lòng mình cùng cộng đồng người Việt ở nước sở tại chung tay, góp sức vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác