(VOV5) - Để hóa trang thành ma bùn trong lễ bỏ mả, giống các hồn ma, người ta lựa những màu bùn thật mịn, đẹp và bôi lên khắp người. Hóa trang càng xấu, càng kinh dị, càng giống ma thì càng tốt.
Trong lễ bỏ mả (hay còn gọi là lễ Pơ Thi) của dân tộc Jrai ở Tây Nguyên, có một nghi thức linh thiêng, được dân làng chờ đợi nhiều nhất đó là Ma bùn. Người Jrai gọi Ma bùn là Bram. Đây là hình thức hóa trang độc đáo, người sống hóa trang thành ma bằng cách chát bùn đất lên khắp người.
Nghe âm thanh tại đây:
Theo quan niệm của dân tộc Jrai, sau khi chết, linh hồn vẫn còn quanh quẩn đâu đó, giữa người chết và người sống vẫn còn mối quan hệ. Do vậy, hằng ngày người sống vẫn ra thăm mồ mả người thân, quét dọn sạch sẽ và mang cơm nước cho người đã khuất. Sau một thời gian, công việc này chỉ kết thúc sau khi người ta thực hiện lễ bỏ mả. Để hóa trang thành ma bùn trong lễ bỏ mả, giống các hồn ma, người ta lựa những màu bùn thật mịn, đẹp và bôi lên khắp người. Hóa trang càng xấu, càng kinh dị, càng giống ma thì càng tốt.
Trẻ em đóng vai Ma bùn. Ảnh: VOV5/Ngọc Anh |
Trong lễ bỏ mả bắt buộc phải có Ma bùn. Chị Siu Thỏi, dân tộc Jrai sống ở xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, cho biết: "Theo phong tục tập quán của người Jrai khi làm lễ bỏ mả phải có ma bùn. Lấy bùn trát lên mặt thành ma bùn." Người Jrai cho rằng các Bram là những hồn ma hiền, bảo vệ cho người chết khỏi những con ma ác hành hạ, hoặc là hiện thân của những người đã khuất trở về cõi trần, chung vui với buôn làng xung quanh khu nhà mồ. Chị Rơ Châm H’Xuyết, dân tộc Jrai sống ở xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, cho biết: "Người ta hóa trang thành ma bùn trong khi làm lễ bỏ mả. Khi làm ma bùn người ta phải dấu mặt, dấu tên. Mặt hóa trang thành ma bùn bôi bùn đất lên mặt hoặc đeo mặt nạ làm từ thân cây chuối để che mặt của người làm ma bùn. Ma bùn tượng trưng cho người đã khuất với người còn sống.
Người được chọn làm Bram phải là những người mạnh khỏe, có uy tín. Hóa trang phải thật khéo, làm sao không để cho người khác nhận ra mình, nếu bị nhận ra cũng có nghĩa là các Bram không hoàn thành nhiệm vụ và sẽ bị ma bắt.
Khu nhà mồ của người Jrai. Ảnh: VOV5/Ngọc Anh |
Chị Rơ Châm Hà, dân tộc Jrai, người dân xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, cho biết: "Ma bùn thường xuất hiện vào lễ bỏ mả chứ ngày thường thì không có. Chỉ có nam giới đóng vai ma bùn chứ không có nữ đóng ma bùn. Thường có người lớn và trẻ con đóng ma bùn, tùy theo yêu cầu, lựa chọn của người chủ bỏ mả. Hồi xưa người đóng ma bùn phải kiêng kị. Người đóng ma bùn thường phải là người có vợ đã mất hoặc chưa có gia đình."
Các Bram luôn được kính trọng, phải có đội cồng chiêng đón rước từ nơi hóa trang đến tận khu nhà mồ. Sau khi đóng vai Ma bùn ở khu nhà mồ, các Bram trở về cuộc sống thực tại. Những người đóng vai Bram cùng dân làng ăn uống, nhảy múa, trò chuyện rôm rả.
Chị H’ Uyên Niê, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ia Mơ Nông, cho biết: "Bram xuất hiện khi lễ bỏ mả chứ ngày thường không có. Bram tượng trưng cho những linh hồn đã khuất, người ta về đi ăn uống, ăn mừng ngày lễ lần cuối. Có nghĩa là sau ngày đó, người ta không được mang cơm nước tới mồ người chết nữa. Bram là những con người thật nhưng hóa thân thành những linh hồn ma. Ma bùn có thể đi giao lưu, đi vòng quanh khu nhà mồ để giao lưu với những bà con trong họ hàng, gia đình lần cuối để người ta sang thế giới bên kia".
Người Jrai cho rằng người đã khuất và người sống vẫn có mối liên hệ. Hóa trang thành Ma bùn trong dịp lễ bỏ mả, thể hiện lòng nhớ thương, kính trọng của người còn sống với người đã khuất. Người ta mong muốn linh hồn của người đã khuất che chở, phù hộ cho người còn sống mạnh khỏe, buôn làng có cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc.