(VOV5) - Đồ vật trang trí trên cây nêu phải là những con số chẵn quan niệm cho sự no đủ, tròn đầy.
Dân tộc Chơ Ro sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa – Vũng Tàu. Lễ hội cúng Thần Lúa (Sayangva) của người Chơ Ro là một trong những lễ hội thể hiện rõ nét mối giao hòa, gắn bó giữa con người và thiên nhiên, với ước mơ về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội cúng Thần Lúa (Sayangva) được đồng bào Chơ Ro tổ chức từ ngày 15 đến 30 tháng 3 âm lịch hằng năm để tạ ơn các thần linh, trong đó, Thần lúa là vị thần tiêu biểu cho nền văn hóa nông nghiệp.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
“Người Chơ Ro sống bằng nghề nông. Đối với dân tộc Chơ Ro, Thần Lúa được tôn sùng và đề cao nhất.”
Để lễ cúng diễn ra tốt đẹp, công tác chuẩn bị rất cần thiết. Ông Nguyễn Văn Biên, người uy tín trong cộng đồng Chơ Ro ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết: Lễ hội cúng Thần Lúa (Sayangva) được bà con Chơ Ro chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu thu hoạch lúa đến mua sắm lễ vật: “Phải chuẩn bị trước một tháng vì phải đảm bảo nhiều yếu tố. Đảm bảo các món ăn đặc sản của người dân tộc, thịt nướng, cơm lam, rau rừng…Công phu và lâu nhất là nấu rượu cần.”
Là lễ hội quan trọng nhất trong năm nên người Chơ Ro chuẩn bị cho lễ cúng Thần Lúa rất chu đáo. Từ sáng sớm, công việc giã bánh dày được thanh niên thực hiện. Đây là lễ vật không thể thiếu dâng lên thần lúa. Ảnh: Đỗ Quyên/VOV4 |
Một trong những đặc trưng của Lễ hội cúng Thần Lúa (Sayangva) là dựng cây nêu. Theo quan niệm của người Chơ Ro, cây nêu được xem là cây thông thiên,
thể hiện mối giao hòa, kết nối giữa con người với thần linh. Nếu không có cây nêu thì những lời ước nguyện, mong cầu của đồng bào không đến được với thần linh. Theo ông Huỳnh Công Danh ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, cây nêu được dựng ở chính giữa sân nhà cộng đồng. “Cúng Thần Lúa cũng khá cầu kỳ. Có cây nêu tượng trưng cho nắng, mưa, mùa màng, cây nêu được sơn màu trắng-đen.”
Cây nêu của người Chơ Ro được làm từ thân cây vàng nghệ, một loại cây trong rừng, có thân xuông thẳng với màu vàng là chủ đạo khi các nghệ nhân bào lớp vỏ ngoài của cây. Đồ vật trang trí trên cây nêu phải là những con số chẵn quan niệm cho sự no đủ, tròn đầy.
Những bông lúa được đặt lên bàn thờ. Bánh dày, bánh kẹp dâng lên thần lúa trong lễ hội Sayangva. Ảnh: Đỗ Quyên/VOV4 |
Theo phong tục của người Chơ Ro, cây nêu là nơi để thần linh về dự lễ sau khi già làng khấn mời. Trên cùng của cây nêu có hình bông lúa to. Xung quanh cây có gắn lông chim chèo bẻo và lông gà. Đây là những biểu tượng cho sức mạnh, sự khôn khéo cùng sự sung túc, ấm no cho buôn làng. Phần gốc cây là nơi để buộc các con vật hiến tế như gà, lợn cùng các hũ rượu.
Ông Huỳnh Công Danh cho biết thêm: “Treo lúa cao lên, buộc sợi dây với hũ rượu ở dưới như nấc thang để thần Lúa lên. Mong muốn cho dân làng được mùa, làm ăn phát tài, phát lộc.”
Với người Chơ Ro, hai con vật được hiến tế là lợn và gà, những con vật được lựa chọn kỹ lưỡng và gắn với tự nhiên, núi rừng. Ông Nguyễn Văn Biên cho biết: “Lợn phải là lợn rừng, chứ thấy con lợn nào rồi mua là không được. Con lợn tầm 10 hay 15 kg, phải còn sống.”
Cạnh cây nêu có một bàn nhang để bày biện các lễ vật dâng cúng thần linh. Ông Huỳnh Công Danh chia sẻ: “Trên bàn nhang có ba bát cơm. Bát cơm với mấy miếng thịt nướng với hai cái đũa, cùng bánh dầy cúng. Khi cúng thì đốt trầm hương của dân tộc, rất thơm.”
Khi việc dựng nêu hoàn tất, lễ vật được chuẩn bị xong, người Chơ Ro tiến hành cúng thần Lúa. Trước tiên, người Chơ Ro tổ chức một đoàn người lên rẫy rước hồn lúa về để làm lễ. Những người thực hiện việc này là phụ nữ đã có chồng, ngoài 40 tuổi bởi người Chơ Ro theo chế độ mẫu hệ, tất cả mọi việc quan trọng đều do phụ nữ quyết định. Tuy nhiên, chủ lễ trong ngày cúng là nam giới.
Mừng đón đoàn rước hồn lúa về, đồng bào Chơ Ro hân hoan với màn hòa tấu cồng chiêng rộn rã, ngân vang. Đây là thời khắc quan trọng khi Thần Lúa được rước về làng.
Bắt đầu buổi lễ, chủ lễ tiến hành khấn tổ tiên cùng các vị Thần về chứng giám lòng thành của bà con, đồng thời gửi lời cảm ơn đến Thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho buôn làng trong năm qua được bình yên, mùa màng tốt tươi; mong muốn các thần linh tiếp tục phù trợ.
Sau nghi thức lễ là phần hội. Người Chơ Ro tập trung quanh gốc nêu cùng thanh âm tươi vui, rộn ràng của cồng chiêng, đàn tre cũng như đàn môi. Lúc này, đồng bào Chơ Ro cùng nhau múa những điệu múa truyền thống, đi vòng tròn quanh cây nêu. “Tôi mong muốn thế hệ sau nối tiếp truyền thống của ông bà, tổ tiên. Tôi nói với các con của mình, dù có đi làm ăn xa ở đâu cũng nhớ ngày lễ hội về chung vui với dân làng.”
Lễ hội cúng Thần Lúa (Sayangva) luôn mang một ý nghĩa tinh thần lớn lao với cộng đồng người Chơ Ro. Lễ hội là mối giao hòa, gắn bó giữa con người với thiên nhiên, cũng như giữ gìn văn hóa dân tộc.