Vui hội đánh yến của đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang

(VOV5) -  Đồng bào  quan niệm rằng nếu đôi nam nữ đánh yến quá 10 phút mà con yến không rơi xuống đất thì chứng tỏ họ có duyên với nhau.

Trong những ngày lễ hội ở các bản làng của đồng bào Mông trên Cao nguyên đá Hà Giang, cùng  với nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ, múa khèn, hát đối đáp, không thể thiếu các trò chơi dân gian độc đáo như đánh con quay (tu lu), đẩy gậy, kéo co... Nhưng đặc sắc hơn cả phải kể đến trò chơi đánh yến.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
 
Tương truyền rằng đánh yến có nguồn gốc từ câu chuyện về một chàng trai ở “Mường Trời”. Trong một chuyến du xuân xuống hạ giới, chàng đã phải lòng một cô gái và mỗi khi uống rượu say, chàng lại rủ người yêu của mình đánh yến để giã rượu. Yến ban đầu được đánh bằng tay, sau này được đánh bằng vợt gỗ. Đánh yến hình thức không khác với môn thể thao cầu lông.
Cũng là thao tác tung con yến (còn gọi là quả yến) lên không trung, dùng bàn yến đánh qua lại giữa 2 người chơi để đỡ được con yến vào đúng bàn đánh, không để yến rơi xuống đất. Trò chơi này chỉ đơn thuần là rèn luyện sức khỏe, không tổ chức giải thi đấu, không có luật chơi, không phân thắng-thua. Người chơi chỉ tung con yến và dùng bàn yến đánh qua lại giữa bạn và mình.
Vui hội đánh yến của đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang - ảnh 1Đánh yến giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Ảnh: VOV

Không biết từ bao giờ, đánh yến đã trở thành một trò chơi được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng các dân tộc vùng cao, nhất là người Mông ở huyện Quản Bạ (Hà Giang). Quanh năm bận việc nương, rẫy, dịp Tết hay vào những dịp lễ hội, bà con khắp các thôn bản lại chuẩn bị cho mình bàn đánh và con yến thật đẹp.

Em Vàng Ngọc Xuân, ở xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, cho biết: "Người Mông Hà Giang có rất nhiều trò chơi dân gian độc đáo như đánh con quay "tu lu", đẩy gậy, kéo co…nhưng vui nhất vẫn là đánh yến. Trò chơi này ai cũng có thể chơi được, rất là vui.

Vui hội đánh yến của đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang - ảnh 2Đánh yến-giá trị văn hóa tinh thần độc đáo của người Mông. Ảnh: VOV

Người Mông đánh yến bằng vợt gỗ được làm từ ván gỗ xoan hay gỗ thông rất nhẹ và chắc chắn, khi đánh phát ra những âm thanh cốc cốc nghe rất vui tai. Đánh yến còn thể hiện sự khéo léo, khả năng phán đoán và sự điêu luyện, dẻo dai của đôi tay người chơi. Chị Vương Thị Sim, người dân ở xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, chia sẻ: Mỗi dịp Lễ hội, Tết, ngoài chuẩn bị váy áo mới cho các con, vợ chồng chị còn làm vợt gỗ và những con yến đẹp nhất để gia đình đi chơi Tết. Về cách làm vợt gỗ và con yến, chị Sim cho biết: "Để con yến bay cao, xoay vòng tròn đẹp hơn thì ta cần từ 5-7 lông gà cắm vào một đốt ống trúc. Ống trúc phải chọn ống già, thẳng. Tiếp đến là làm vợt gỗ, chọn miếng ván gỗ dài 35-40cm, rộng 25-30 cm vót tròn một đầu làm tay nắm, đầu còn lại vót mỏng bẹp để đánh yến."

Trên những khoảng đất trống, từng đôi trai gái chuyền những cánh yến yêu thương cho nhau, ánh mắt nhìn nhau vấn vương, nụ cười e lệ, má ửng hồng duyên dáng. Quả thực, trò chơi dân gian này không chỉ giúp gắn kết bà con trong thôn bản với nhau mà còn là hình thức giao duyên của những nam thanh, nữ tú.

Đồng bào  quan niệm rằng nếu đôi nam nữ đánh yến quá 10 phút mà con yến không rơi xuống đất thì chứng tỏ họ có duyên với nhau. Từ đó, họ tìm hiểu nhau và gắn kết nên duyên vợ chồng. Chị Vương Thị Sim cho biết thêm: "Người già, trẻ em đều có thể đánh được, rất là vui. Đánh yến giúp mọi người càng thêm gắn kết hơn trong những ngày Tết đến xuân về."

Đến với Hà Giang vào những dịp lễ, Tết… âm thanh cốc cốc của trò chơi đánh yến như  mời gọi mọi người cùng nhau đến vui hội thêm đông, thêm xích lại gần nhau, đoàn kết, cùng nhau lưu giữ giá trị văn hóa tinh thần độc đáo của người Mông nơi rẻo cao.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác