Ra mắt làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo của người Xơ Đăng, tỉnh Kon Tum

(VOV5) - Nơi đây được xem là “thiên đường” của hoa địa lan, với một đồi lan bản địa và hoa được người dân trồng ở các bờ rào, cổng nhà…
Ra mắt làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo của người Xơ Đăng, tỉnh Kon Tum - ảnh 1Nhà rông làng Vi Rơ Ngheo - Ảnh: VOV

Chiều qua (02/05), tại Nhà rông làng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, UBND huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo và ra mắt Hợp tác xã du lịch Vi Rơ Ngheo.

Làng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng cách thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, khoảng 40km. Làng có 63 hộ dân với khoảng 300 khẩu, 100% là bà con dân tộc thiểu số Xơ đăng. Bao quanh làng là những cánh rừng với hệ động, thực vật phong phú; hệ thống suối đá, thác, hồ, ruộng… Đặc biệt, nơi đây được xem là “thiên đường” của hoa địa lan, với một đồi lan bản địa và hoa được người dân trồng ở các bờ rào, cổng nhà… tạo ra khung cảnh tuyệt đẹp cho một ngôi làng nằm giữa núi rừng Tây Nguyên. Do nằm tách biệt giữa núi rừng, người dân lại biết bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống nên Vi Rơ Ngheo hiện còn giữ được nhiều nét đẹp trong kiến trúc, sinh hoạt của người Xơ đăng.

Sau hơn 3 năm thực hiện việc xây dựng làng Vi Rơ Ngheo trở thành làng du lịch cộng đồng, đến nay, làng đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cho biết: "Chúng tôi vận động từng gia đình phục dựng lại toàn bộ những giá trị văn hóa, xây dựng từng nhóm hộ để phát triển về rau, những hộ cung cấp gà, vịt, heo, tổ chức nấu ăn. Chúng tôi xác định món ăn ở đây là rau, củ, quả địa phương rồi cá suối là chính, tất cả đều là của địa phương, để khi khách đến phải có những món ăn tại địa phương. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, vận động bà con và cũng đã đưa vào quy chế để tất cả người dân địa phương có thể thực sự làm du lịch, được hưởng lợi từ du lịch".

Mục tiêu của huyện Kon Plông là xây dựng làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo trở thành điểm đến hấp dẫn; cùng với đó, tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; quản lý tốt chất lượng dịch vụ; xây dựng quy chế hoạt động; khôi phục các ngành nghề truyền thống, như: dệt vải, đan lát, tạc tượng…
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác