Con rồng Đặng Ngọc Long: Bay cùng âm nhạc dân gian Việt đến những miền đất mới

(VOV5) - Đặng Ngọc Long bao giờ cũng đóng góp với tư cách một nghệ sĩ lớn, một người hết lòng vì đất nước, hết lòng vì âm nhạc dân tộc.

Trên từ điển bách khoa mở wiki, đã có một trang riêng về Đặng Ngọc Long “là một nhạc sĩ và diễn viên điện ảnh người Việt Nam, sống và làm việc tại Berlin,- Đức, là người Việt đầu tiên đoạt giải guitar Quốc tế (năm 1987)”, từ năm 2006 làm chủ tịch hội đồng nghệ thuật  cuộc thi guitar Quốc tế tại Berlin".. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Những người học trò khi gửi tin nhắn đến cho giáo sư âm nhạc Đặng Ngọc Long về bản nhạc Núi rừng Tây Nguyên, đã nói: “Ngạc nhiên quá thầy à! Bản độc tấu ghita thấm đẫm chất Tây Nguyên... mặc dù thầy đã xa Tây Nguyên rất lâu rồi”.

Đây chỉ là một trong trong số rất nhiều tác phẩm Đặng Ngọc Long đã sáng tác và chuyển soạn cho đàn guitar và nhiều tác phẩm song tấu, tứ tấu,... Đặc biệt một số tác phẩm như Prelude số 1", "Prelude số 4”, "Mienman", "Giận mà thương", "Bèo dạt mây trôi" "Hồi tưởng", "Ru con", "Mưa", Núi rừng Tây nguyên" vv…được đưa vào làm bài bắt buộc cho cuộc thi guitar quốc tế tại Berlin.

Con rồng Đặng Ngọc Long: Bay cùng âm nhạc dân gian Việt đến những miền đất mới - ảnh 1Những hình ảnh từ cuộc thi guitar quốc tế Berlin - Ảnh: BTC cuộc thi 

Giáo sư âm nhạc Đặng Ngọc Long chia sẻ:: “Cuộc thi này có một điều bắt buộc là các thí sinh phải biểu diễn tác phẩm hiện đại pha trộn dân ca Việt Nam. Vì tôi là chủ tịch giám khảo, ra đề thi hàng năm, nên tôi mạnh dạn đề nghị hội đồng đưa một số tác phẩm do tôi chuyển soạn dân ca Việt Nam, thì hội đồng đã xét duyệt và đồng ý là điều kiện bắt buộc cho cuộc thi. Đối với thí sinh thế giới điệu dân ca luyến láy rất khó, nhưng để người ta tham gia nghĩa là người ta đã thích rồi và người ta rất chịu khó tìm tòi. Và khi đã tìm tòi thì người ta phải nghiên cứu, thậm chí đến tận thầy để người ta học, đến tận nước Việt Nam để tìm hiểu xem làn điệu dân ca như thế nào. Cho nên tôi cũng vui khi mình đóng góp được phần nào, quảng bá được một chút văn hóa Việt Nam mình ra nước ngoài.”

Con rồng Đặng Ngọc Long: Bay cùng âm nhạc dân gian Việt đến những miền đất mới - ảnh 2Giáo sư âm nhạc Đặng Ngọc Long còn hoạt động nghệ thuật với vai trò một diễn viên (điện ảnh, truyền hình) trên đất Đức. - Ảnh: FB nhân vật. 

Đặng Ngọc Long đã biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Năm 1987 ông đoạt giải đặc biệt tại cuộc thi Guitar quốc tế ở Hungary. Sau này ông từng làm chủ tịch giám khảo, chủ tịch hội đồng nghệ thuật cho nhiều cuộc thi quốc tế.. Năm 1994 một cuộc thi guitar đã được mang tên ông để vinh danh công lao đóng góp của ông cho lĩnh vực đào tạo âm nhạc tại Đức do trường âm nhạc Bernau tổ chức. Từ năm 2006 đến nay ông làm hiệu trưởng trường Âm nhạc Berlin-Gesundbrunnen, đồng thời là giảng viên dạy  guitar.

Nhưng không phải vì thế, mà hiển nhiên âm nhạc dân gian Việt được lựa chọn: “Khó khăn nhất là ngay từ đầu người ta có chấp nhận được không. Tôi đề nghị đánh bài này bài này, mà  trong hội đồng giám khảo ai cũng có chuyên môn cả. Thường thi guitar cổ điển thì phải thi những tác phẩm cổ điển. Những tác phẩm lớn của các nhạc sĩ lớn như Betthoven, Moda hay Francisco Tarrega… tại sao không chọn, lại chọn tác phẩm của tôi? Cái khó khăn nhất, đầu tiên là điều đó. Nhưng tôi rất vui mừng khi đồng nghiệp của mình đã chấp nhận chuyện đó, có nghĩa là họ công nhận.” – Đặng Ngọc Long nói.

Thi đỗ vào khoa guitar của Nhạc viện Hà Nội vào năm 1975 đúng ngày thống nhất đất nước, sau khi học xong trung cấp Đặng Ngọc Long được cử Đức học: “Tôi học Đại học tại Berlin trong 7 năm tốt nghiệp thạc sĩ. Sau đó tôi ở lại làm giáo viên dạy guitar cho một trường âm nhạc ở Berlin. Và trong thời kỳ tôi học ở Berin từng đi thi quốc tế. Năm 1987 một sự kiện lớn là tôi đoạt giải guitar quốc tế tại Hungary. Từ đó tôi được các tổ chức guitar quốc tế mời tham gia biểu diễn nhiều nước trên thế giới, cũng như được học bổng học trên cao học. Sau đấy tôi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho một cuộc thi guitar quốc tế tại Berlin diễn ra hai năm một lần. Từ năm 2006 đều đặn cho đến nay thì tôi đều làm chủ tịch.”

Con rồng Đặng Ngọc Long: Bay cùng âm nhạc dân gian Việt đến những miền đất mới - ảnh 3 Đĩa Long plays Long Tổ khúc Kiều đã được phát hành.

Chương trình biểu diễn của giáo sư âm nhạc Đặng Ngọc Long bao gồm tác phẩm từ thề kỷ 15 đến Hiện đại..., Ngoài ra ông còn trình diễn các tác phảm do chính ông biên soạn và chuyển thể từ dân ca Việt nam. Ông đã cho ra nhiều CD trong đó Album mang tựa đề "Long plays Long" là Album ông trình tấu các tác phẩm ông tự sáng tác và chuyển soạn cho đàn Guitar theo trường phái riêng (pha trộn hiện đại châu Âu và giai điệu cổ truyền Việt Nam). Ngày 22/12/2017 vừa qua, nhà xuất bản âm nhạc Logiber -Berlin đã phát hành đĩa "Long plays Long” chủ đề Tổ khúc Kiều"

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, người từng nhiều năm dõi theo hành trình của Đặng Ngọc Long trên đất Đức, và giới thiệu về sự nghiệp của ông với bạn đọc trong nước qua bài viết “Giáo sư – nghệ sĩ âm nhạc Đặng Ngọc Long: Cây đàn rồng ở trời Âu”, đã kể lại:

“Tôi biết nghệ sĩ Đặng Ngọc Long từ lúc anh còn trẻ, khi anh chơi những bản nhạc dân ca đầu tiên ở Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.. Bẵng đi một thời gian, chúng tôi làm quen với nhau tại CHLB Đức khi bức tường sụp đổ. Lúc ấy lòng người rất ly tán. Nhưng với tinh thần của người trí thức liên kết với nhau hướng về cội nguồn, thì Đặng Ngọc Long là một trong những người như thế. Trong giai đoạn ấy Hội sinh viên Việt Nam tại Đức nhen nhóm thành lập. Người ta tổ chức thành một lực lượng để vừa học tập tốt vừa hướng vế quê hương.

Lúc ấy anh em sinh viên rất nghèo, mà mời nghệ sĩ tầm cỡ như Đặng Ngọc Long, Tôn Nữ Nguyệt Minh hay một số nghệ sĩ khác đến biểu diễn là vấn đề rất lớn, vì anh em sinh viên không có tiền. Họ có đề nghị, tôi biết Đặng Ngọc Long thì mời anh đến cùng các sinh viên Việt Nam tại Đức. Đặng Ngọc Long đã không nề hà gì cả, anh vác đàn đến và làm một buổi văn nghệ rất đậm đà bản sắc của dân tộc mình, đồng thời rất hiện đại, mang một không khí sinh hoạt văn hóa rất cao cấp đến cho anh em sinh viên.

Sinh hoạt ở nước Đức trong 25 năm, một mặt cống hiến cho nền âm nhạc của thế giới, mặt khác Đặng Ngọc Long cũng luôn luôn gắn bó với những tổ chức của người Việt, đặc biệt là những tổ chức có tính chất truyền bá văn hóa, Đặng Ngọc Long bao giờ cũng đến đóng góp với tư cách một nghệ sĩ lớn, một người hết lòng vì đất nước, hết lòng vì âm nhạc dân tộc”.

Bản chuyển soạn bài dân ca Bèo dạt mây trôi của giáo sư âm nhạc Đặng Ngọc Long do Dàn nhạc hợp xướng thính phòng Munich trình diễn:

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác