Nghe âm thanh bài tại đây:
Cách đây gần 143 năm, một ngày đầu mùa Hè năm Nhâm Ngọ 1882, sau khi thành Hà Nội thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu sau khi bái vọng về kinh thành Huế đã tuẫn tiết tại Võ Miếu phía tây nam kinh thành. Tên ông đã được lấy làm tên con đường Hoàng Diệu ngày nay.
Nhân dịp kỷ niệm 195 năm ngày sinh của Tổng đốc Hoàng Diệu (1829 -2024), mới đây tại nhà Thái học, Văn Miếu, Quốc Tử Giám đã diễn ra Tọa đàm, giới thiệu cuốn sách biên khảo “Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng đốc Hoàng Diệu và công cuộc giữ thành Hà Nội” của hai tác giả TS. Nguyễn Quang Hà và Luật sư Hà Thị Thanh.
Sự kiện do Chi Hội di sản Văn hóa Hồng Châu, Hà Nội (Thuộc Hội di sản Văn hóa Việt Nam) kết hợp với NXB Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức.
Hoàng Diệu, tên chữ là Kim Tích, tự Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai, sinh ngày mùng 10 tháng Hai năm Kỷ Sửu (5-3-1829) trong một gia đình nhà nho tại làng Xuân Đài, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nổi tiếng thơ văn từ thuở thiếu thời, năm 20 tuổi ông đỗ cử nhân, 26 tuổi đỗ phó bảng, được bổ Tri huyện Tuy Phước, thăng Tri phủ Tuy Viễn (cùng trong tỉnh Bình Định). Cuộc đời làm quan, Hoàng Diệu từng lập được nhiều quân công.
Từ năm 1879 đến 1882, Hoàng Diệu làm Tổng đốc Hà Ninh, quản lý vùng trọng yếu nhất của Bắc Bộ là Hà Nội và vùng phụ cận. Ông đã chỉ đạo quân dân Hà Nội tử thủ chống lại quân đội Pháp, bất chấp triều đình Huế đã chấp nhận đầu hàng. Ngày 25 tháng 4 năm 1882 (tức ngày 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ), thành Hà Nội thất thủ, Hoàng Diệu đã tự vẫn tại Võ Miếu để không rơi vào tay giặc.
Trong khuôn khổ tọa đàm giới thiệu sách “Cuộc đời, sự nghiệp của Tổng đốc Hoàng Diệu và công cuộc giữ thành Hà Nội” các nhà nghiên cứu đã có những đánh giá về tinh thần, nội dung tác phẩm trong việc khắc họa chân dung một công thần nhà Nguyễn trong sự nghiệp phụng sự dân tộc và nhân dân.
Hơn 370 trang sách thực sự đã cung cấp những tư liệu đầy đủ, khoa học về người anh hùng đã vì nước quên thân, đặc biệt là trọng trách trông coi Hà Nội và Bắc bộ cùng công cuộc giữ thành Hà Nội, sự hi sinh của Tổng đốc Hoàng Diệu. Cùng với Tiến sĩ Nguyễn Quang Hà, luật sư Hà Thị Thanh đã dành nhiều tâm huyết cho tác phẩm này. Bà bộc bạch về lý do đào sâu nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp của Tổng đốc Hoàng Diệu và công cuộc giữ thành Hà Nội. Ý tưởng xuất phát từ góc nhìn ghi nhận của hậu thế chưa tương xứng với tầm vóc của vị Tổng đốc Hà – Ninh môt thời. Mặt khác Tiến sĩ Nguyễn Quang Hà và luật sư Hà Thị Thanh mong muốn có một công trình biên khảo quy mô, đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp của Tổng đốc Hoàng Diệu.
Hơn nửa dung lượng của tác phẩm “Cuộc đời, sự nghiệp của Tổng đốc Hoàng Diệu và công cuộc giữ thành Hà Nội” dành nói về tiểu sử và những đóng góp của Tổng đốc Hoàng Diệu với dân tộc và nhân dân. Trong sử sách cũng như ký ức của những chứng nhân một thời, Quan Tổng đốc Hoàng Diệu – vị quan trấn thành Hà Nội sinh thời vô cùng thanh liêm, chính trực. Hơn nữa, ông có tấm lòng nhân hậu, đại lượng, hết lòng hết sức vì nước vì dân, sống vì dân chết cũng vì dân. Nhà sưu tầm, nghiên cứu lịch sử Tuấn Kiệt cho rằng không phải tới bây giờ mà công lao và khí tiết của Tổng đốc Hà Ninh đã được dân gian nhiều đời nay ca tụng. Hoàng Diệu là một nhân vật lịch sử với lối ứng xử trong sự nghiệp làm quan để lại suy ngẫm cho hậu thế.
Trong tác phẩm khảo cứu “Cuộc đời, sự nghiệp của Tổng đốc Hoàng Diệu và công cuộc giữ thành Hà Nội”, hai tác giả TS Nguyễn Quang Hà, luật sư Hà Thị Thanh dành riêng một chương đặt nhan đề “Tri ân người anh hùng” để gợi nhắc về các hành động, tác phẩm thơ ca, các di tích thờ tự và tôn vinh Tổng đốc Hoàng Diệu.
Khâm phục, tiếc thương tấm lòng trung liệt của Tổng đốc Hoàng Diệu, một nhân sĩ thời bấy giờ là cụ Phó bảng Nguyễn Trọng Tỉnh có bài thơ điếu Hoàng Diệu được ghi lại trong cuốn Lịch sử vua quan nhà Nguyễn của nhân sĩ Phạm Khắc Hòe.: “Tay đã cầm bút lại cầm binh/ Muôn dặm giang sơn nặng một minh/ Thờ chúa, chúa lo, lo với chúa/ Giữ thành, thành mất, mất theo thành/ Suối vàng ắt hẳn mài gươm bạc/ Lòng đỏ thôi đành gửi sử xanh/ Di biểu nay còn sôi chính khí/ Khiến người thêm trọng bút khoa danh.
Một danh sĩ cùng thời là Nguyễn Văn Giai cũng viết tác phẩm “Hà thành chính khí ca” ca ngợi lòng yêu nước và chí khí trung nghĩa lẫm liệt của Tổng đốc Hoàng Diệu. Tác phẩm có đoạn viết về sự tuẫn tiết của vị quan triều Nguyễn: “Chữ trung còn chút con con/ Quyết đem gởi cái tàn hồn gốc cây/ Trời cao biển rộng đất dày/ Non Nùng sông Nhị chốn nầy làm ghi!”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Hà đánh giá cao giá trị, ý nghĩa các tác phẩm của các sĩ phu, danh sĩ cùng thời viết về vị Tổng đốc đã đi vào sử sách mà tư liệu còn được Viện Hán Nôm lưu giữ.
Cuộc đời làm quan, Tổng đốc Hoàng Diệu từng lập được nhiều quân công. Khâm phục trước tấm gương quan Tổng đốc Hà Ninh Hoàng Diệu thà chết chứ không chịu luồn mình dưới chân giặc, Tôn Thất Thuyết – một sĩ phu nổi tiếng theo đường lối chống Pháp – thương tiếc Hoàng Diệu mà viết lên đôi câu đối: “Nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện/ Bình sanh trung nghĩa, đương niên đại cuộc khởi vô tâm”. Nghĩa là: “Một chết đã thành danh, đâu phải anh hùng từng nguyện trước/ Bình sinh trung nghĩa, đương trường đại cuộc tất lưu tâm”.
Những năm qua, đã có các tác phẩm gợi nhắc về công lao và sự hy sinh trung liệt của Tổng đốc Hoàng Diệu. Công trình khảo cứu tác phẩm của hai tác giả TS Nguyễn Quang Hà, luật sư Hà Thị Thanh có thể nói là một trong những tác phẩm toàn tập hiếm hoi với những cứ liệu và đánh giá đầy đủ, toàn cảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Tổng đốc Hoàng Diệu và công cuộc giữ thành Hà Nội.
Nhà sưu tầm, nghiên cứu lịch sử Tuấn Kiệt ghi nhận đóng góp của công trình này trong đối chiếu, so sánh với các tác phẩm cùng nội dung đề cập. Theo anh đây là một sử liệu quý dành cho những người yêu thích lịch sử Hán Nôm và nhân vật lịch sử.
Cũng trong khuôn khổ tọa đàm giới thiệu sách “Cuộc đời, sự nghiệp của Tổng đốc Hoàng Diệu và công cuộc giữ thành Hà Nội” do Chi Hội di sản Văn hóa Hồng Châu, Hà Nội (Thuộc Hội di sản Văn hóa Việt Nam) kết hợp với NXB Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức đã có những ý kiến tập trung vào chủ đề phát huy giá trị di tích, di sản liên quan đến Tổng đốc Hoàng Diệu.
Sắp tới Luật sư Hà Thị Thanh và Tiến sĩ Nguyễn Quang Hà sẽ ra mắt công trình biên khảo về Tổng đốc Nguyễn Tri Phương. Hai tác giả hi vọng về sự phát triển nguồn sử liệu từ các công trình này thành các tác phẩm văn học toàn cảnh, giá trị về cuộc đời và sự nghiệp của của các danh nhân có những đóng góp quan trọng cho đất nước mà tên tuổi đã đi vào sử sách.