Tái bản cuốn tiểu thuyết ”linh hồn” của bộ phim truyền hình “Thương nhớ ở ai“

(VOV5) - Tiểu thuyết Bóng đêm và mặt trời của nhà văn Dương Hướng vừa được Nxb Phụ nữ Việt Nam tái bản và phát hành vào tháng 3 năm 2025. 

Nghe âm thanh bài tại đây:

Cuốn tiểu thuyết đã từng được độc giả biết tới cách đây nhiều năm, nay được trở lại văn đàn với diện mạo mới.
Tái bản cuốn tiểu thuyết ”linh hồn” của bộ phim truyền hình “Thương nhớ ở ai“ - ảnh 1

Dương Hướng là một trong những nhà văn có đóng góp quan trọng cho văn chương Việt Nam hiện đại, sau 1975.

Tiểu thuyết Bóng đêm và mặt trời cùng với tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng đã được đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh chuyển thể thành bộ phim truyền hình dài tập với tên Thương nhớ ở ai? (Đài truyền hình Việt Nam phát thành năm 2017). Cùng năm, bộ phim được giải Cánh Diều Vàng.     

Tiểu thuyết Bóng đêm và mặt trời của nhà văn Dương Hướng đem đến câu chuyện của làng Nguyệt Hạ, ngôi làng có bề dày về văn hóa, lịch sử. Tiểu thuyết trải dài từ cải cách ruộng đất, chiến tranh loạn lạc cho tới thời mở cửa, xoay quanh cuộc sống của các nhân vật Ngô Quất, Hoàng Đô, gia đình lão Kình (gồm có Cả Lạnh, Mát, Bức) và Hạnh, cô gái xinh đẹp, nết na, có giọng hát chèo nổi tiếng trong vùng.

Ngô Quất, một tay được nhà văn Dương Hướng miêu tả có tạng người lòng khòng, chân dài hơn lưng, nếu “không làm chân cán bộ văn hóa chắc là ế vợ tới già”. Quất sinh ra ở làng Gồi, bố mẹ làm nghề “mùi sung” (tức là nghề gắp phân), đã từng ly khai khỏi gia đình và đấu tố cả bố mẹ mình khi cơn bão cải cách ruộng đất ở làng tới hồi khốc liệt. Về làm cán bộ văn hóa tại làng Nguyệt Hạ, Ngô Quất đã gây nên những mối thâm thù với sáng kiến “Gầu sòng”. Mối thù giữa gia đình ông Kình với gia đình bà Nghĩa, mẹ Thu Nga và đã dẫn đến bi kịch giữa Hoàng Đô, con vợ Quất, Bức, cháu nội ông Kình và Thu Nga. Hoàng Đô và Thu Nga yêu nhau, nhưng lại bị ông Kình giở trò, dùng tiền mua lại chiếc vòng hẹn ước của hai người, một tục lệ nghiêm khắc, lâu đời của làng Nguyệt Hạ.

Cũng chính một tay Ngô Quất với danh nghĩa cải cách văn hóa mà phá đình, phá đi nét thanh bình của làng Nguyệt Hạ. Rồi cả việc cấm người dân chơi sáo diều, việc đổi tên làng...

Cuộc tình tay ba giữa Hoàng Đô, Bức và Thu Nga là nỗi day dứt, gợi nhiều tiếc nuối trong cuốn tiểu thuyết. Thu Nga và Hoàng Đô vốn yêu nhau nhưng không thể nên duyên vợ chồng. Bức yêu Nga nhưng lại tự ti về phận mình sau chiến tranh trở về không còn lành lặn nữa. Và chính Nga cũng vì nỗi tự ti, không giữ được mình, có con với cán bộ của Ty văn hóa tỉnh mà Nga không dám về đối diện với Bức. Suốt thời gian dài, cả ba lênh đênh, luẩn quẩn trong nỗi day dứt của chính mình.

Tái bản cuốn tiểu thuyết ”linh hồn” của bộ phim truyền hình “Thương nhớ ở ai“ - ảnh 2

Ngoài ra, Bóng đêm và mặt trời miêu tả chân thực lối sống dung tục, buông thả của những con người bị cuồng địa vị, bị danh tiếng làm cho mờ mắt mà đánh mất mình trong thời mở cửa. Bên cạnh đó là cuộc sống của người lính trở về sau chiến tranh. Từ bi kịch mất mát thời chiến cho tới cuộc sống thời bình, Bức và Hoàng Đô như những người lạc lõng giữa quê nhà tưởng như đã quá quen thuộc...

Nhà văn Dương Hướng sinh năm 1949, tại Thái Bình, hện đang sống và làm việc tại Quảng Ninh. Những tác phẩm tiêu biểu của Dương Hướng đã xuất bản có tập truyện ngắn Gót son, tiểu thuyết Bến không chồng, tiểu thuyết Dưới chín tầng trời. Ông từng được Giải thưởng truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội (1990), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1991) với tiểu thuyết Bến không chồng, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2017. Năm 2000, tiểu thuyết Bến không chồng của Dương Hướng đã được đạo diễn Lưu Trọng Ninh chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên. Phim giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13. Tác phẩm cũng được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Italia.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác