Hiện thực và Trừu tượng: Nhân có triển lãm Xuống Phố 3 và Lê Anh Quân

(VOV5) -. Tranh Phạm Bình Chương không phản ảnh “hiện thực” bây giờ của Hà Nội, mà cho ta thấy hình hài của một cuộc sống Hà Nội khác, vẫn đấy mà không còn nữa.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Phạm Bình Chương vẽ phố Hà Nội. Đại đa số tranh anh là những cận cảnh nhà cửa, chi tiết kỹ lưỡng, bố cục vững chãi, như một tế bào phố nhìn qua kính hiển vi. Đó là cái “hình hài phố”, như lời anh nói, mà anh nhìn thấy trong mắt mình, không phải như lưu vết của ánh sáng tác động vào hóa chất theo quy luật vật lý trong nhiếp ảnh; mà là kết quả của quá trình diễn dịch tâm lý những thông tin thị giác từ ngoại giới thâm nhập nội giới của người vẽ. Vì vậy mà Thành Chương bảo rằng giờ thì anh đã thấy nhiếp ảnh không bao giờ thay thế được hội họa, khi khai mạc triển lãm Xuống Phố 3 của Chương.

Hiện thực và Trừu tượng: Nhân có triển lãm Xuống Phố 3 và Lê Anh Quân - ảnh 1Tranh Phạm Bình Chương 

Phố của Chương thuyết phục người xem bằng cách vẽ chi tiết, bố cục có nhịp điệu, âm hưởng, với những tương phản nhẹ nhàng kịch tính theo hướng lãng mạn. Hiện thực trong tranh phố của Chương chủ yếu là hiện thực về cách vẽ. Mà cũng không phải là “tả thực”, mà đúng với nghĩa “representational”: “trinh bày lại” một hiện thực đã qua chọn lọc và diễn dịch trong tâm lý họa sỹ. Nó không còn là phố Hà Nội như ta thấy hàng ngày hiện nay. Nó không phản ảnh “hiện thực” bây giờ của Hà Nội, mà cho ta thấy hình hài của một cuộc sống Hà Nội khác, vẫn đấy mà không còn nữa. Cho nên tranh phố của Chương thực ra không hiện thực về chủ đề, và chủ yếu là hiện thực về phong cách. Có thể có người thấy Chương vẫn chưa “tới nơi” về tả chất, như tranh cực thực của Âu Mỹ, nhưng thế là may mắn, vì nhờ vậy mà phố của Chương không vô cảm.

Hiện thực và Trừu tượng: Nhân có triển lãm Xuống Phố 3 và Lê Anh Quân - ảnh 2 Bức tranh "Chuyện hè phố" của hoạ sĩ Phạm Bình Chương 

Về nội dung thì phố của Chương có “chuyện”, có “narratives”. Nhưng không có “đại tự sự” -- những “chuyện to tát” về thời cuộc. Những mẩu chuyện nhỏ của Chương không “tham chiến” với thời cuộc, không tự trào, không châm biếm. Cũng may, vì thái độ “hậu hiện đại” giờ cũng lỗi thời rồi. Nhân loại đã sống sót qua cơn bạo bệnh ấy, và đang rất cần thái độ sống có tình có nghĩa để bình phục, với chính mình và với thiên nhiên. Nếu Chương chắt lọc những câu chuyện của mình tinh tế và nhiều chiêm nghiệm hơn nữa, thì anh sẽ vượt qua được tình trạng có vẻ đã “quen tay”, quen với giải pháp và quên mất câu hỏi.

Lê Anh Quân vẽ trừu tượng, tìm “hình hài” cho cái không nhìn thấy. Ai thì cũng không thể nhìn thấy mình, nhất là nội tâm. Cho nên vẽ trừu tượng rất khác nhau giữa các họa sỹ theo đuổi mục đích này. Nhưng gì thì gì, trừu tượng vẫn cứ là con đẻ của cuộc giao phối giữa nội giới và ngoại giới, chỉ tùy mức độ cực đoan và nguồn cảm hứng mà khác nhau thôi. Hãy thử so sánh Phạm An Hải với Lê Anh Quân một chút:

Hiện thực và Trừu tượng: Nhân có triển lãm Xuống Phố 3 và Lê Anh Quân - ảnh 3Tác phẩm Làng ven sông của họa sĩ Phạm An Hải trưng bày tại triển lãm "Đối thoại mới"  nhân dịp kỷ niệm 30 năm Sothebys có mặt tại Singapore.. 

Phạm An Hải theo đường “ấn tượng cảm xúc”, dùng màu và lối vẽ có thể gọi là “action painting” để tạo cốt giá và thổi năng lượng sống cho cái hình cảm xúc của mình. Về mặt này thì Hải hơn cả Jack the Dripper (Jackson Pollock), cả về bố cục và kỹ thuật thể hiện. Tranh Hải gợi cảm ngay. Tranh Pollock thì phải nghe mấy ông phê bình chém gió mãi mới đành phải nhận là mình đã cảm được. Dấu vết ngoại giới trong tranh Hải chủ yếu là nhịp điệu của cây cỏ trong không gian. Nếu Hải tìm thấy cảm hứng từ một hình ngoại giới nào khác, anh sẽ có một thế giới trừu tượng mới.

Lê Anh Quân thì giao đãi với ngoại giới ở phần xúc giác là chính. Nếu anh làm tượng thì chắc cũng rất hay. Tranh của Quân là bằng chứng của những tìm tòi về chất liệu, với mong muốn truyền đạt cảm xúc mà có lẽ anh cũng chưa biết gọi chúng là gì. Hình như Quân chỉ mê trải nghiệm những cảm xúc khác nhau mà có thể sờ thấy được. Anh có vẻ mê những bề mặt như trong hang động thiên nhiên đã qua hàng tỷ năm dầu dãi mới thành, những khăng khít hoặc lỏng lẻo bất ngờ trên những bề mặt ấy. Tranh anh có những bức khiến tôi nhớ đến Jean Dubufet và những hình khắc nguyên thủy của người hang động hàng vài chục ngàn năm về trước. Và tất nhiên, khi tìm vào nội giới cá nhân thì ta thường thấy tối tăm và rối rắm. Chỉ có câu hỏi mà không có lời đáp. Mà câu hỏi cũng chả bao giờ rõ ràng.

Hiện thực và Trừu tượng: Nhân có triển lãm Xuống Phố 3 và Lê Anh Quân - ảnh 4Loạt tranh của Lê Anh Quân trong một triển lãm tại Pháp. 

Vậy tại sao tôi vẫn thấy tranh Quân hấp dẫn. Ấy là vì chúng có cái đẹp của sự tương hợp giữa ý tưởng và hình thức. Quân muốn diễn tả khoái cảm được sờ nắn vuốt ve những bề mặt khác nhau kia, và tôi có thể cảm nhận được khoái cảm ấy của anh, vì anh vẫn khăng khít với ngoại giới nhờ những chất liệu vẽ của mình. Những tranh này mà in kỹ thuật số thì chết hẳn, không còn gì nữa. Người xem tranh, thưởng thức nghệ thuật nói chung, khi thấy dấu vết của ngoại giới thì mới có cảm giác yên tâm rằng mình đang ở trong thế giới này, là mình mà cũng thuộc về thế giới này.

Cho nên dù những “hình” mà Quân dựng nên có khác lạ đến mấy, chúng vẫn được ta chấp nhận nhờ sự quen thuộc trên bề mặt chất liệu của chúng. Có thể nói tranh trừu tượng theo lối này của Quân tạo nên những hiện diện có khả năng gây cảm hứng sáng tạo cho người có cùng tần số giao đãi với họa sỹ. Mà chắc là ai cũng đã có lần thấy một vết loang lổ trên bức tường cổ khiến mình ngây ngất.

Có lẽ Quân muốn đi tìm cái Khác, cái gì chỉ mình mới có. May mà cái Khác của anh vẫn hoài thai từ giao phối nội-ngoại, nên tranh anh mới động được đến người xem. Mà nghệ thuật thì phải thế. Tự diễn đạt không thôi thì không phải là nghệ thuật.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác