Họa sỹ Trịnh Hữu Định: "Qua bao nẻo đường đời thì mới được nên Người?..."

(VOV5) - Họa sỹ Trịnh Hữu Định, một trong những tên tuổi của hội họa miền Nam, vừa tạ thế tại Canada, thọ 101 tuổi. 

Họa sĩ Trịnh Hữu Định từng tốt nghiệp trường Quốc gia Cao đẳng trang trí Paris, và là em út của họa sĩ, nhà thiết kế nội thất lừng lẫy Trịnh Hữu Ngọc. Xin trân trọng chuyển tới quý vị những tâm sự của người cháu ruột ông, là họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ, con trai họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, tưởng nhớ Người họa sĩ mãi mãi có tâm hồn thơ trẻ ấy.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc của họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ:

 

Họa sỹ Trịnh Hữu Định: Họa sĩ Trịnh Hữu Định - Ảnh: FB tác giả.

Chú ruột tôi – người em út trong bốn anh chị em của bố Ngọc, đã du hành đến cõi “không có ai từng trở về để kể chuyện cho ta biết về nơi ấy”. 

Tang lễ cử hành tại nhà quàn Côtes des Neiges, thành phố Montréal bên Canada; theo giờ Hà Nội là 23 giờ 45 phút ngày thứ ba, mồng 10 tháng 11, 2020. Theo quy định của chính phủ Canada về phòng chống Covid, tang lễ sẽ không có đông người thăm viếng. Em Huệ, con dâu chú, thu xếp quay video live stream qua YouTube để các anh chị em và cháu chắt trong đại gia đình rải rác khắp thế giới được tham dự qua mạng internet. 

Chú đã sống qua 101 năm ở cõi dương thế này, lúc nào cũng với tâm hồn trẻ thơ của một người họa sỹ.

Ra đời ở Phủ Lạng Thương, mồ côi mẹ từ nhỏ, bố kiếm sống lưu lạc ngoài đại dương, lớn lên ở Hà Nội, từng làm nhà trên Code 600 núi Ba Vì, giúp anh làm xưởng MÉMO, làm liên lạc cho Việt Minh những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, rồi kết hôn với cô Nghiêm Thị Thuần, bác sỹ nội trú nhà thương Phủ Doãn. Sau khi có con trai Trịnh Hữu Tâm, được anh khích lệ và giúp đỡ, chú Định sang Paris năm 1953, thi đỗ vào trường Mỹ thuật Trang trí. Sau tốt nghiệp thì làm phụ tá cho họa sỹ Jean Lurçat (1892-1966) – người thầy có công khôi phục nghệ thuật trang trí thảm dệt Âu-Mỹ. Giữa thập niên 1960, chú về với vợ con ở Sài Gòn, dậy vẽ tại Đại học Thủ Đức, làm nhiều tượng Phật trong chùa Vĩnh Nghiêm và trên đồi núi Quy Nhơn, dựng xưởng gốm ở Thủ Đức, làm nhà ở và xưởng vẽ ở Võ Di Nguy- Phú Nhuận. 

Khu nhà Võ Di Nguy là do chú thiết kế, cả kiến trúc và nội thất. Trong nhà có xưởng làm gỗ để chú tự làm các mẫu riêng của mình, có phòng vẽ và thư viện sách nghệ thuật trên tầng hai, có khu nặn và đổ khuôn tượng trong vườn lúc nào cũng có học sinh đến tập nghề. Tôi thích nhất là nền nhà lát gạch màu đen, “để mọi thứ tranh tượng không bị ánh sáng phản chiếu loạn xạ”. Lúc ấy cô Thuần đang là hiệu trưởng trường cán sự điều dưỡng Sài Gòn. Em Tâm đã là sinh viên y khoa… 

Họa sỹ Trịnh Hữu Định:  Họa sĩ Trịnh Hữu Định và người vợ tào khang. - Ảnh: FB tác giả.

Cuối 1970, họa sỹ Trịnh Hữu Định đã bắt đầu được giới nghệ thuật miền Bắc biết đến – tranh của chú được sứ quán Pháp trưng bày trong một số triển lãm ở cả Hà Nội và Sài Gòn.

Rồi chú Định còn trở thành ông nội của ba đứa cháu mà chú đặt tên là Ân, Nghĩa và Mai.

Chú bế cháu vẫn có vẻ vụng về, nhưng vẽ đứa cháu gái thật say sưa, nét bút như trẻ thơ. Nghe chú cãi nhau với hai đứa cháu trai, cô Thuần thường bảo tôi “ông Định vẫn là người immature (không trưởng thành), ông ấy artist, anh ạ.” Không ai biết rằng những ngày tháng ấy sẽ chóng qua đến thế. 

Đầu thập niên 1980, chú Định ra Hà Nội thăm gia đình anh trai duy nhất của mình trước khi di cư sang Canada. Gặp lại sau hơn 30 năm, hai anh em ôm nhau khóc nức nở, vừa rụt rè vừa khôn cưỡng, như hai đứa trẻ vừa được giải oan một tội lỗi không phải của mình. 

Năm ấy vợ chồng tôi vừa dùm dúm làm thêm căn gác ở khu nhà bị bom phố Quán Thánh. Chú ở căn phòng tôi dành riêng cho chú trên gác ấy. Chú bảo “Cái nhà này cháu làm tốt đấy chứ”. Nghĩ đến khu nhà Võ Di Nguy của chú, tôi chả dám xưng ra chuyện túp nhà dựng vội chả có móng máy gì của mình. 

Họa sỹ Trịnh Hữu Định: Bức tranh Immigration của họa sĩ Trịnh Hữu Định

Năm 1998, chú Định, cô Thuần và em Tâm từ Montréal xuống New York City thăm gia đình tôi. Những ngày vui không thể nào quên. Rồi chúng tôi cũng lên Montréal thăm cô chú và gia đình em Tâm mấy lần. Lần nào cũng được cô Thuần kể chuyện xưa chuyện nay. Tình cảm gia đình ngày càng đầm ấm… Thế rồi, cuộc đời vẫn cứ toàn chuyện không ngờ: em Tâm đột ngột ra đi. Nghĩa trang Côte des Neiges xuất hiện ngôi mộ đón cả bốn người trong gia đình chú Định, mà em Tâm là người đầu tiên yên nghỉ ở đó. Rồi chú Định cô Thuần vào một phòng riêng ở một nhà dưỡng lão. Hai năm trước tôi sang thăm thì cô Thuần đã mất trí nhớ, không nói chuyện gì với ai, mặc dù khi cầm tay chào cô lúc ra về, cô bỗng nắm chặt tay tôi một lúc. Khi cô Thuần mất, trên giường cô nằm chỉ có một bó hoa, chú Định vẫn ngủ giường bên cạnh, mà hình như không hề biết là cô đã ra đi. Tạo hóa vẫn có cách khiến chúng ta rời bỏ cõi tạm này một cách yên bình. Chú Định đã ngủ một đêm yên bình như thế, để sáng sớm hôm sau vãng sanh cực lạc. 

Từ hôm có tin chú ra đi, tôi cứ lảng vảng lời hát của Bob Dylan: “How many roads must a man walk down/Before we can call him a man…” Phải qua bao nhiêu nẻo đường đời thì mới được nên Người? Chú Định tôi, 101 năm, ngần ấy nẻo đường, nay sang cõi ấy có cần phải qua bao nhiêu nẻo đường để làm Người nữa chăng? 

Lần gặp nhau gần đây nhất, em Huệ có hứa sẽ chụp ảnh toàn bộ tranh vẽ của chú mà em còn giữ, để tôi soạn một cuốn sách về Họa sỹ Trịnh Hữu Định, cũng chỉ với mong muốn rằng sự hiện diện của người nghệ sỹ không chịu trưởng thành ấy cũng có chút lưu vết và ý nghĩa với đồng loại của mình.  Mong sao vẫn có duyên, thời gian và sức lực để làm được việc này.

Xin Chú yên nghỉ ạ. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác