(VOV5) - Phố cổ còn nhiều địa chỉ nghệ thuật và văn hóa với bao lớp lang, bao câu chuyện gắn với các nhân vật, các sự kiện lịch sử mà nếu chạm vào đó là chạm vào dòng chảy của đất Thăng Long.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Hiện nay, người dân Hà Nội và khách du lịch đã quen với những tuyến phố đi bộ được mở vào dịp cuối tuần. Ngoài khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, thành phố từng đầu tư nhiều tỉ đồng để mở thêm những tuyến phố mới, nhằm thúc đẩy thương mại, du lịch, dịch vụ.
Gần đây nhất, con phố Tống Duy Tân (Phường Hàng Bông – quận Hoàn Kiếm) đã được chỉnh trang lại, là tuyến phố văn hóa - ẩm thực, một trong những trọng điểm của dự án phát triển kinh tế đêm trên địa bàn quận.
Phố cổ Hà Nội trong dáng vẻ lô xô và chật chội vẫn là nơi thu hút khách thập phương. Chính quyền quận Hoàn Kiếm dành nhiều tâm sức để tu sửa các công trình đình, đền, hội quán tại khu phố cổ, các biệt thự tại khu phố Pháp, sửa sang một số khu vực trong và ngoài đê, biến nơi đây thành những không gian có dấu ấn nghệ thuật.
Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ 50 Đào Duy Từ. |
Những địa chỉ như số 50 Đào Duy Từ, 22 Hàng Buồm, và gần đây là các đình trong phố như Nam Hương, Phả Trúc Lâm, Tú Thị… đã trở thành nơi tham quan, triển lãm, giao lưu văn hóa nghệ thuật đặc sắc, thú vị.
Ngoài các không gian này, phố cổ còn nhiều địa chỉ nghệ thuật và văn hóa với bao lớp lang, bao câu chuyện gắn với các nhân vật, các sự kiện lịch sử mà nếu chạm vào đó là chạm vào dòng chảy của đất Thăng Long
Sự hồi sinh của công trình 22 Hàng Buồm là một ví dụ tiêu biểu cho thành công của công tác bảo tồn di sản kiến trúc đô thị. Với diện tích khoảng 1800m2, Hội quán Quảng Đông ở 22 Hàng Buồm có tuổi đời hàng trăm năm, là một trong hai hội quán còn lại trong lòng phố cổ. Sau năm 1975, nơi đây được trưng dụng làm trường mẫu giáo Tuổi thơ. Tháng 10 năm 2018, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc thẩm định dự án tu bổ, tôn tạo di tích Hội quán Quảng Đông. Trường mẫu giáo Tuổi thơ chuyển về 88 Hàng Buồm, trả lại mặt bằng cho hoạt động tu bổ, tôn tạo.
“Hầu Trời”- tác phẩm của: Đặng Mỹ Linh, Đào Minh Châu, Hoàng Lan, Hoàng Giang trong không gian văn hóa 22 Hàng Buồm - Ảnh: tapchikientruc.com.vn |
Đến nay, Hội quán Quảng Đông đã trở về với kiến trúc ban đầu, mang một tinh thần mới trên cơ sở kế thừa vốn cũ, trở thành một không gian triển lãm, giao lưu văn hóa - nghệ thuật - sáng tạo, như tên gọi hiện nay là Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Sự trở lại, “sống lại” của công trình này thực sự là niềm hạnh phúc của những người luôn đau đáu với di sản kiến trúc thủ đô.
Theo KTS Phạm Tuấn Long – Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm, việc tu bổ công trình 22 Hàng Buồm cũng như các công trình kiến trúc khác của quận Hoàn Kiếm nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung có ý nghĩa đặc biệt, thúc đẩy vai trò của người dân trong việc bảo vệ và phát triển di sản kiến trúc đô thị.
Khi các công trình, các di sản kiến trúc được hồi sinh, đưa vào sử dụng thì việc kết nối các không gian này là vô cùng cần thiết. Một tour đi bộ nghệ thuật trong lòng phố cổ sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm riêng biệt, sâu sắc, nghe lòng mình chạm vào thành quách cũ, được chậm lại, lắng lại, làm mới chính bản thân mình. Ở tour đi bộ ấy, các không gian nghệ thuật và di sản sẽ kết nối với các không gian dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi thư giãn, mua sắm, trải nghiệm phố nghề, làng nghề.
Khi chân đã mỏi, du khách được thưởng thức món bún chả, nhẩn nha với cốc bia hơi, hít hà mùi thuốc bắc từ những cửa hàng dược liệu, hay chầm chậm nhấp ly cà phê nghe chuyện phố Phái, nhấm nháp vị cốm thơm ngon đầu mùa và hình dung về những cánh đồng thơm thảo, những giọt mồ hôi của người nông dân ở xứ sở nhiệt đới gió mùa. Theo họa sỹ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, hoạt động này hoàn toàn khả thi và có sức thu hút riêng.
Cầu đi bộ Trần Nhật Duật thu hút đông đảo khách tham quan ngay trong ngày khai mạc. - Ảnh: nguoidothi,net.vn |
Phố cổ Hội An đã thành công khi đưa cuộc sống đời thường vào trong lòng di sản. Với vị thế thủ đô và lịch sử hơn ngàn năm tuổi, tiềm năng di sản của phố cổ Hà Nội còn giàu có hơn, phong phú hơn.
Tất nhiên, để thực hiện được những tour đi bộ nghệ thuật đầy thi vị và ý nghĩa thì việc chỉnh trang các khu phố không phải là điều đơn giản, khi nhà cửa đã mất đi nhiều hình hài xưa cũ, mật độ dân số vô cùng cao, một khoảng thở cũng trở thành xa xỉ. Nhưng nếu cả chính quyền và người dân cùng nhìn về một hướng, thì không gì là không thể.
Mỗi người dân là một đại sứ du lịch với vốn văn hóa sâu sắc cùng nụ cười thân thiện sẽ đem tới cho du khách một năng lượng bình an. Việc quy hoạch, chỉnh trang các tuyến bố, bố trí các hoạt động nghệ thuật trong các không gian văn hóa – lịch sử, các dịch vụ về ăn - ở - nghỉ ngơi trong lòng phố cổ cần được tính toán kỹ càng, uyển chuyển.
Cái “tinh” và cái “tình” sẽ là tiêu chí để lựa chọn. Khi lịch sử - văn hóa – nghệ thuật được sinh sôi trong lòng phố, thì sức lan tỏa sẽ vô cùng mạnh mẽ và ý nghĩa.