(VOV5) - 2024 được coi là một năm bản lề của văn học, có nhiều sự kiện, bùng nổ nhiều xu hướng và sự trưởng thành của nhiều cây bút triển vọng.
Cũng trong năm nay, một số băn khoăn, trăn trở thường nhật và muôn đời của người viết, đặc biệt là người viết trẻ đã bắt đầu có những giải đáp. Diễn trình văn học năm qua đã phần nào trả lời cho câu hỏi nhà văn có thực sự sống được bằng nghề viết hay không?
Nghe âm thanh bài tại đây:
Liệt kê những tác giả Việt sống được, sống tốt, sống thoải mái, dư dả bằng nghề viết, chúng ta sẽ có một danh sách không quá dài, nhưng cũng không quá hiếm hoi và đặc biệt là qua mỗi năm, con số lại tăng lên, dù không nhiều nhưng cũng là dấu hiệu khả quan về tương lai của nghề sáng tác văn học.
Cái tên đầu tiên trong danh sách này là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, rồi đến nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, các nhà thơ Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Thiên Ngân, Song Hà, trẻ hơn nữa có thể kể đến tác giả trẻ Thảo Trang, tác giả của bộ tiểu thuyết “Tết ở làng địa ngục” bán được hàng chục nghìn bản, đã được chuyển thể thành phim và mới đây nhất là tiểu thuyết “25 độ âm” gợi nhớ tới thảm kịch 39 người Việt chết trong container đông lạnh ở Anh năm 2019.
Nhà văn Đức Anh |
Về trường hợp của Thảo Trang, một người viết cùng thế hệ 9x là nhà văn trẻ Đức Anh cho rằng đây là một tác giả ăn khách điển hình. Anh cũng điểm tên một số người viết trẻ có tác phẩm bestseller bán chạy và sống tốt bằng nghề viết và họ đều có “chiến lược” riêng trong sáng tác và quảng bá tác phẩm. Anh điểm qua những cái tên đã làm được điều đó như Thục Linh, tác giả trẻ xuất hiện năm 2018 hay tác giả thế hệ Gen Z - Emma Hạ My, các tác giả trẻ viết dã sử như Thành Châu, Hoàng Yến hay một tác giả “truyền thống” hơn như Tống Phước Bảo là cây bút đa năng, thâm canh trên nhiều tờ báo và sống được bằng nghề viết.
Cơ hội chuyển thể thành phim, chuyển thể thành audio rồi phát triển các kênh truyền thông mang lại cho các tác giả trẻ nguồn thu nhập tốt. Thế nhưng không phải tác giả nào cũng có cách tiếp thị thành công tác phẩm của mình. Ngoài Tống Phước Bảo, có những tác giả đã sống được bằng nghề viết bằng ngòi bút, cách thức sáng tác và đăng tải truyền thống như Vũ Thị Huyền Trang, Nguyễn Văn Học.
Những năm qua, cộng đồng tác giả văn học cũng như độc giả công chúng nước ta chứng kiến sự ra đi, trở lại và bổ sung lực lượng sáng tác – Một quy trình đã đặt ra một số băn khoăn, câu hỏi. Điều đáng tiếc là sự hao hụt một số lượng những tác giả tài năng, giàu tiềm năng. Sau một thời gian sáng tác và tạo dựng được tên tuổi, họ đã lặng lẽ buông bút, chọn một công việc khác, không còn xuất hiện trên văn đàn. Xét ra, có nhiều lý do thuộc về hoàn cảnh, thời gian và không thể không nhắc tới vấn đề thu nhập của người viết ở nước ta không thể đảm bảo cho nhu cầu cuộc sống của họ. Đó cũng là câu chuyện muôn thuở, đã có tiền lệ bởi “Cơm áo không đùa với khách thơ”.
Thuộc thế hệ những tác giả 9x, năng động và đam mê sáng tác nhưng nhìn vào thực tế, cây bút Đặng Thùy Tiên (ở Lai Châu) không ngại bộc bạch về thu nhập từ công việc sáng tác văn xuôi. Cũng theo chị, viết văn là đam mê mà đã là đam mê thì con số thu nhập không phải là điều quan trọng.
Nếu Đặng Thùy Tiên chọn công việc kinh doanh để “nuôi” đam mê sáng tác thì với tác giả Đoàn Thị Diễm Thuyên (Ở TP Hồ Chí Minh) song hành cùng những trang thơ là những trang kịch bản phim và công việc nhân viên văn phòng – Bởi hơn ai hết, Diễm Thuyên trải nghiệm một cách thực tế nguồn thu nhập của một tác giả khi dành toàn thời gian để sáng tác thơ. Theo chị, để “nuôi” đam mê sáng tác văn học, các tác giả trẻ hôm nay còn làm nhiều công việc khác có liên quan như làm báo, làm biên tập sách, biên tập báo điện tử, sáng tạo nội dung…
Kể cả những tác giả trẻ đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, dành rất nhiều thời gian cho công việc sáng tác thì khoản nhuận bút ít ỏi từ các bài thơ đăng báo cũng chỉ là khoản tiền thêm thắt vào nhu cầu tiêu dùng. Chúng tôi đang muốn nhắc tới nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, người đã dành rất nhiều giải thưởng về sáng tác thơ những năm qua. Anh đồng thời được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng Tác giả Trẻ cách đây 2 năm. Trần Đức Tín cũng là cộng tác viên quen thuộc của nhiều tờ báo, tạp chí trung ương và địa phương. Thế nhưng, anh thành thật chia sẻ rằng chừng đó nhuận bút vẫn không thể trang trải cuộc sống hàng ngày.
Nhà thơ Trần Đức Tín |
Sau những giây phút sống trọn vẹn trên từng trang bản thảo, mỗi người viết bắt buộc phải trở về thực tế cuộc sống đời thường với các khoản chi dùng cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Không phải ai cũng có thể viết nhiều thể loại và lúc nào điều kiện cũng thuận lợi cho lối sống tối giản. Đó cũng là lý do câu hỏi thôi thúc và đôi khi là áp lực làm sao sống được bằng nghề viết vẫn gõ cửa tâm trí và làm rối trí các tác giả trẻ hiện nay. Nhà thơ Trần Đức Tín cho rằng cần nhiều chính sách, nhiều sự quan tâm hơn nữa để nhà văn phát triển bản thân, phát triển sáng tạo, “sống” được bằng nghề viết.
Từ quan sát và trải nghiệm cá nhân, tác giả Đức Anh cũng đi sâu vào những điều kiện cần và đủ để người sáng tác văn học hôm nay có thể sống tốt bằng nghề viết. Đó là đam mê, tài năng, là sự tự hào về nghề và hơn nữa là kỷ luật viết, là kỹ năng quản lý thời gian. Sở dĩ chữ “sống” trong bài viết này được đặt trong ngoặc kép bởi có hai nghĩa: sống trong nghĩa tồn tại và sống còn trong nghĩa là duy trì, là sự trưởng thành, phát triển, là một dạng thức của sự đi đến thành công. Câu hỏi tác giả hôm nay có “sống” được bằng nghề viết hay không không chỉ tùy thuộc vào độc giả, công chúng mà còn là trăn trở mà mỗi một người sáng tác văn chương phải tự vấn trong hành trình sáng tạo của bản thân mình.